| Hotline: 0983.970.780

Quýt hồng – Tiềm năng của địa phương và cơ hội cho khách hàng

Chủ Nhật 08/01/2023 , 13:45 (GMT+7)

Đồng Tháp Cơ qua địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp để phát huy bảo tồn “Vương quốc Quýt hồng” huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Các diễn giả đưa ra nhiều giải pháp để phát huy giá trị, tiềm năng góp phần bảo tồn quýt hồng huyện Lai Vung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các diễn giả đưa ra nhiều giải pháp để phát huy giá trị, tiềm năng góp phần bảo tồn quýt hồng huyện Lai Vung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thế mạnh của địa phương từ quýt hồng

Ngày 8/1, tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) diễn ra buổi Tọa đàm “Quýt hồng – Tiềm năng của địa phương và cơ hội cho khách hàng” nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Quýt hồng Lai Vung lần thứ I năm 2023 do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng UBND huyện Lai Vung đồng tổ chức.

Tại buổi Tọa đàm các chuyên gia chia sẻ, huyện Lai Vung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây có múi, trong đó quýt hồng là một trong những loại cây ăn trái nổi tiếng của vùng ĐBSCL. Đây cũng là niềm tự hào của người dân địa phương khi thương hiệu quýt hồng Lai Vung đã nổi tiếng từ rất lâu đời. Đặc biệt, đây là thời điểm các nhà vườn sẵn sàng nguồn quýt phục vụ Tết Quý Mão 2023 và phục vụ các tour, tuyến du lịch. Tuy nhiên, cũng giống như những loại nông sản khác dù có nhiều tiềm năng nhưng cây quýt hồng cũng đối diện với nhiều khó khăn vì dịch bệnh, thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Đầy (ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) chia sẻ: Quýt hồng Lai Vung là cây đặc sản của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, việc phát triển những năm trước đây do canh tác theo tập quán, áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa được đồng bộ, sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến chi phí đầu tư của nhà vườn cao. Bệnh vàng lá thối rễ, chất lượng nông sản không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường dẫn đến khó khăn cho nhà vườn.

Ông Đầy chia sẻ về phòng và trị bệnh thối rễ do nấm Fusarium solani gây hại trên cây quý hồng. Nông dân nên sử dụng chế phẩm sinh học Trico-Thối rễ (ĐHCT) từ 10-20g/gốc kết hợp bón 5kg/gốc phân hữu cơ ủ hoai và 5-10 cuộn rơm khô/1.000m2. Còn về bệnh thối gốc trên cây quýt ông Đầy cho biết, do nấm Phytophthora nicotianae gây hại (bệnh xì mủ gốc, ngủ ngày, héo xanh). Ông Đầy đã sử dụng chế phẩm sinh học Trico-Phytop (ĐHCT) từ 10-15g/gốc kết hợp bón 5kg/gốc phân hữu cơ ủ hoai và phun thêm Trico-Phytop lên tán, thân cây (2-3g/lít) và luân phiên với phun vôi (5g/lít vôi CaO).

Đồng thời, kết hợp với quét vôi từ gốc kéo dài lên thân cây khoảng 1-1,5m (10g/lít vôi CaO+ adao) hay dùng vôi quét tường từ đầu đến cuối mùa mưa (tháng 5-11 dương lịch) cách 2 tháng/lần để ngừa bệnh lây lan. Bên cạnh đó, còn sử dụng chế phẩm sinh học Trico-Tuyến trùng (ĐHCT) từ 10-20g/gốc kết hợp bón 5kg/gốc phân hữu cơ ủ hoai và 5-10 cuộn rơm khô/1.000m để đối phó tuyến trùng gây hại.

Ông Nguyễn Văn Đầy chia sẻ kinh nghiệm xử lý bệnh trên cây quýt hồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Đầy chia sẻ kinh nghiệm xử lý bệnh trên cây quýt hồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài ý kiến chuyên môn, đại diện nông dân trồng quýt cũng đề xuất các cấp chính quyền địa phương, ngành chuyên môn cần nghiên cứu đầu tư thêm về quy trình sản xuất quýt hồng theo hướng hữu cơ sinh học. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn nên nghiên cứu ứng dụng quy trình IPM, giảm giá thành sản xuất và ứng dụng sinh học. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho nhà vườn gặp gỡ trao đổi thông tin kinh nghiệm với nhau, cũng như tổ chức các buổi tọa đàm với các nhà khoa học để có thêm thông tin.

PGS. TS. Nhan Minh Trí (Trường Đại học Nông nghiệp Cần Thơ) cho rằng, để cây quýt hồng tỉnh Đồng Tháp giữ vững được thương hiệu, vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch. Theo đó, tổ chức lại sản xuất cho nông dân, nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, từng bước xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định. Công nghệ sau thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ quýt hồng cần được quan tâm, nghiên cứu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, HTX ngành hàng cây có múi của huyện Lai Vung được kỳ vọng sẽ có vai trò nâng cao chuỗi giá trị cây quýt hồng. Theo đó, địa phương định hướng cho Hội đồng quản trị HTX nghiên cứu xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển ngành hàng cây quýt hồng. Nhà vườn cần áp dụng quy trình sản xuất an toàn bền vững gắn với truy xuất nguồn gốc. Tăng cường sử dụng hữu cơ, giảm phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Khai thác có hiệu quả nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận cho quýt hồng Lai Vung.

Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến tạo ra nhiều sản phẩm từ quýt hồng để gia tăng giá trị. Phát triển các điểm tham quan du lịch cộng đồng ngày càng phong phú, chuyên nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức vẻ đẹp quýt hồng của mọi người nhằm tăng lợi nhuận và góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương Lai Vung trong lòng du khách.

Đại diện HTX và doanh doanh nghiệp ký kết hợp đồng tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đại diện HTX và doanh doanh nghiệp ký kết hợp đồng tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đề án cải tạo, khôi phục vườn quýt hồng

Ông Phan Văn Tập, Phó chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, quýt hồng được xác định là loại cây trồng chủ lực và là thương hiệu nổi tiếng được bà con và người tiêu dùng gần xa công nhận. Cây quýt hồng không chỉ giúp cải thiện đời sống của bà con nông dân mà còn gắn liền với hình ảnh địa phương và mở ra định hướng mới cho việc phát triển thương hiệu quýt hồng Lai Vung nhiều hơn nữa.

Qua 3 năm thực hiện Đề án cải tạo, khôi phục vườn quýt hồng, hiện tại tổng diện tích vườn quýt hồng trên địa bàn huyện khoảng hơn 200 ha, bước đầu đã cho thấy sự định hướng đúng của Đề án và sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của bà con nông dân trên địa bàn huyện. Qua Đề án bà con trồng quýt hồng được hỗ trợ nhiều hơn về mặt kỹ thuật, phân bón, cây giống sạch, thuốc trichoderma mà thay đổi lớn nhất là tập quán sản xuất của người dân chuyển dần sang hướng hữu cơ.

Tuy nhiên, đã xác định trồng cây quýt hồng là chủ lực thì không thể trồng xen canh cây chủ lực khác trên cùng một mảnh vườn vì rất khó khăn trong việc chăm sóc, xử lý ra hoa và nuôi trái đến thu hoạch. Nhưng bà con có thể trồng xen canh những cây ngắn ngày trong khoảng thời gian 1-2 năm đầu để tạo điều kiện lấy ngắn nuôi dài cho cây quýt hồng. Điều quan trọng nhất cần phải nghiên cứu, khai thác tối đa chuỗi giá trị cây quýt từ lúc ra hoa cho đến khi thu hoạch.

Ông Phan Văn Tập, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Phan Văn Tập, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đề án bảo tồn và khôi phục vườn quýt hồng từ năm 2020 đến nay có khoảng 185 hộ tham gia với diện tích trên 106 ha, trong đó khắc phục khoảng 85 ha và trồng lại trên 21 ha. Về cây giống sạch bệnh theo Đề án bảo tồn Nhà nước hỗ trợ 50%. 

Trong chuỗi sự kiện này, đại diện một số doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác để tiêu thụ sản phẩm quýt hồng và gắn kết chương trình du lịch sinh thái vườn tại địa phương.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.