Sự kiện trên thuộc khuôn khổ của Chương trình “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn”.
6 phòng thí nghiệm được ra mắt gồm: Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y; Phòng thí nghiệm trung tâm về Khoa học và Công nghệ thực phẩm; Phòng thí nghiệm đánh giá chất lượng đất và phân bón; Phòng thí nghiệm môi trường; Phòng thí nghiệm trung tâm khoa Chăn nuôi; Phòng phân tích kiểm nghiệm – Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh.
Theo GS.TS Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm này không chỉ phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu, tạo công nghệ mới mà còn là địa chỉ tin cậy, được hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tin tưởng hợp tác trong đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân tích chất lượng đất, phân bón và môi trường, hay các dịch vụ phân tích, chẩn đoán bệnh trên cây trồng vật nuôi, nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật trên trên gia súc, gia cầm…
Ngoài ra, Bệnh viện Thú y và Bệnh viện Cây trồng là hai mô hình hoàn toàn mới tại Việt Nam cũng được giới thiệu tại sự kiện trên. Các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm này không chỉ phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu, tạo công nghệ mới, mà còn là địa chỉ tin cậy, được hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tin tưởng hợp tác trong đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp cũng sử dụng các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm để phân tích chất lượng đất, phân bón và môi trường, hay các dịch vụ phân tích, chẩn đoán bệnh trên cây trồng vật nuôi, nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật trên trên gia súc, gia cầm…
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám Đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, và đạt được những thành tựu to lớn; sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mặc dù trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nền nhưng năm 2022 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) toàn ngành đạt con số kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Những thành quả này chính là minh chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân cùng toàn xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thói quen, tư duy cũ trong sản xuất chưa được xoá bỏ, như: sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc trong chăn nuôi-thú y-thuỷ sản, dịch bệnh, vấn đề môi trường hay vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tất cả đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, môi trường sinh thái và uy tín sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bởi vậy, 6 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO cùng 2 mô hình bệnh viện mới được thành lập với trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao, được kỳ vọng sẽ trở thành cơ sở uy tín trong xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chất lượng môi trường đất nước, phân bón.
Đặc biệt, phòng thí nghiệm trong điểm Công nghệ sinh học thú y là phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO sớm nhất tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Đây là đơn vị đi đầu về ứng dụng công nghệ mới mới nhất trong chẩn đoán xác định dịch bệnh do virus và vi khuẩn với trên 160 chỉ tiêu xét nghiệm. Phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm chẩn đoán, tư vấn điều trị, điều trị bệnh các bệnh do virus, vi khuẩn, miễn dịch, bệnh lý, đồng thời đánh giá kiểm nghiệm thuốc, chế phẩm, vaccine phòng bệnh trên vật nuôi quy mô phòng thí nghiệm.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ: "Với đội ngũ chuyên gia trình độ cao và giàu kinh nghiệm, Học viện đã và đang tham gia tích cực cùng với các trang trại, doanh nghiệp, bà con nông dân trong xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị dịch bệnh, tư vấn giải pháp chăn nuôi, tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam. Chúng tôi luôn sẵn sàng và mong muốn được đồng hành hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững".