Nhìn vườn rau hữu cơ xanh tốt, không sử dụng bất kỳ loại thuốc, phân bón hóa học nào tại vườn của anh Nguyễn Văn Hóa (tổ 2, ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) mấy ai hay trên chính mảnh đất này trước đây là cánh đồng muối nước ngập mặn chát, khó có thể trồng được bất kỳ loại cây gì.
Được biết đến là nông dân điển hình của xã bởi mô hình trồng rau sạch với rượu, tỏi, ớt, không dùng bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào; giờ đây anh Hóa còn tự mình chinh phục hơn 2 ha đất mặn, nơi trước kia là cánh đồng muối, nước mặn ngập tới gần đầu gối.
Hồi mới chuyển nhà vào đây, anh bị nhiều người cho là “khùng” vì ai lại đi trồng rau trên đất nhiễm mặn. Nhưng anh nghĩ, hồi ở ngoài Bắc, anh đã từng đi theo nhiều người ra đồng làm ruộng.
Đất nơi đó cũng mặn chát do ở gần làng muối, nhưng họ vẫn làm rau tươi tốt, thu hoạch đều đặn thì tại sao anh không làm được. Nghĩ là làm, anh dựng ngay một chòi nhỏ để tiện nghỉ ngơi, rồi ngày đêm cải tạo đất.
Ban đầu, anh làm theo những gì mình nhìn thấy ngoài quê nên thất bại, việc giảm mặn không thành công do chưa làm thử lần nào, lần cải tạo đầu, nước mặn vẫn cứ tràn lên mặt đất.
Bước sang năm thứ hai, anh bắt đầu thay đổi dần, đi cẩn thận từng bước, từ làm đất, ép mặn cho tới việc điều chỉnh nước ngọt cho phù hợp. Năm đó, lần đầu tiên những cây rau của anh nhú lên mặt đất, anh đã gần như hét lên vì vui sướng khi công sức quần quật ngày đêm cuối cùng có kết quả.
Chia sẻ kinh nghiệm, anh cho biết: “Để trị đất nhiễm mặn, trước hết cần phải xử lý đất, đây là bước quan trọng để có thể đo được độ mặn của đất cũng như tách hoàn toàn phần đất trồng cây ra khỏi phần nhiễm mặn”.
Thời gian đầu, anh cho máy cày xới toàn bộ đất lên, tạo luống, nâng nền đất thật cao, cách phần nước mặn từ 40 – 60cm. Chiều cao này sẽ giúp cây trồng không đụng phải phần đất nhiễm mặn. Sau khi nền đất được nâng lên, các tầng nước mặn sẽ từ từ rút xuống thấp.
Sau đó, anh sử dụng rơm, lục bình phủ xuống đất, đậy kín toàn bộ. Theo anh Hóa, vùng này vốn là vùng làm muối, nắng chiếu vào nhiều sẽ đẩy muối lên, đọng hết lên đất, việc che ánh nắng sẽ ép hoàn toàn lượng muối xuống phía dưới, bảo đảm được nền đất tốt phía trên.
Tiếp theo, anh sử dụng các loại phân xử lý đất như phân chuồng ủ hoai mục, phân lân, vôi để rửa chua, rửa phèn, lượng phân này sẽ gấp 3 lần so với các loại đất thường.
Điều bắt buộc khi xử lý đất nhiễm mặn là phải có nước ngọt. Việc tưới nước ngọt có thể duy trì nhiều ngày, tưới đẫm từ khi làm đất cho tới khi trồng cây. Theo anh tính toán, lượng nước ngọt phải lớn hơn nước mặn tới 80% thì mới ép được nước mặn xuống phía dưới.
Nói đoạn, anh dẫn chúng tôi xuống vườn, bốc từng mảnh đất lên, nói: Khu vực này, nếu chỉ 1 ngày không tưới nước ngọt là nước mặn sẽ trồi lên ngay, cây trồng rất dễ chết. Trung bình một ngày tưới từ 9 – 10 lần, mỗi lần tưới từ 5 - 7 phút. Thời gian tưới cách nhau từ 1 – 1,5 tiếng. Đối với các khu vực thiếu nước ngọt, để xử lý đất nhiễm mặn, người dân phải che bằng nhà lưới, nhà kính để giúp đất thoát khỏi ánh nắng trực tiếp.
Với cách làm độc đáo của mình, anh Hóa không chỉ xử lý thành công đất nhiễm mặn, mà vườn rau của anh còn là rau hữu cơ, không sử dụng bất kỳ loại thuốc, phân bón hóa học nào trong suốt thời gian sản xuất. Nhờ đó, với 2 ha rau của mình, anh cung cấp cho phần lớn các trường học, công ty và các chợ nhỏ trong khu vực, đảm bảo bữa ăn an toàn cho mọi người.