| Hotline: 0983.970.780

Tái thiết ngành hồ tiêu Gia Lai: [Bài 3] Bền bỉ và mạnh dạn

Thứ Tư 30/10/2024 , 14:30 (GMT+7)

Dẫu cho giá hồ tiêu một thời chạm đáy, nhưng vẫn có không ít nông dân bền bỉ giữ vườn, mong sẽ có ngày trở lại thời hoàng kim. Và, ngày đó dường như đang đến.

Lão nông Huỳnh Văn Lang chăm sóc vườn tiêu vừa được trồng hơn 2 tháng. Ảnh: ĐL. 

Lão nông Huỳnh Văn Lang chăm sóc vườn tiêu vừa được trồng hơn 2 tháng. Ảnh: ĐL. 

Bền bỉ giữ vườn

Năm 1984, ông Huỳnh Văn Lang (65 tuổi) rời quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định lên lập nghiệp tại thôn Ia Sa, xã H’bông, huyện Chư Sê. Ban đầu, ông làm đủ việc, đủ nghề để nuôi sống gia đình. Đến năm 1995, ông Lang bắt đầu trồng tiêu.

Thời điểm cao nhất là năm 2010, gia đình ông Lang sở hữu vườn hồ tiêu khoảng hơn 2.000 trụ. Vườn tiêu này đã giúp gia đình ông có thu nhập khá trong suốt nhiều năm liền. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các vườn tiêu khác trong vùng, vườn tiêu của nhà ông không tránh khỏi bị bệnh và chết dần. Cái khác là vườn tiêu của gia đình ông không bị chết hết như những vườn tiêu khác.

“Là do ngay từ đầu, tôi đã thực hiện theo hướng dẫn của ngành chức năng, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu dùng phân bón vi sinh, tưới tiết kiệm…”, ông Lang lý giải việc vườn tiêu nhà mình không bị chết hoàn toàn.

Không hề nản chí khi một số diện tích tiêu trong vườn bị chết, ông Lang vẫn bền bỉ, tâm huyết khôi phục vườn tiêu của mình. Khi đã chính thức qua cơn đại dịch của hồ tiêu, ông bắt tay vào việc tái thiết lại vườn tiêu của gia đình, việc làm này được ông bắt đầu từ 4 năm trước đây.

“Với những diện tích tiêu bị chết, tôi cuốc bỏ, xử lý đất theo đúng hướng dẫn. Khi đã đảm bảo mọi điều kiện, tôi bắt đầu xuống giống trồng lại. Đầu tiên, tôi mua giống Vĩnh Linh đã qua sang lọc kỹ lưỡng. Khi vườn trồng mới phát triển tốt, tôi cắt dây giống, trồng lại cho những diện tích tiếp theo”, ông Lang chia sẻ.

Bằng cách làm này mà năm 2023, ông Lang trồng mới được 200 trụ tiêu. Cũng với cách làm này mà từ đầu năm 2024 đến nay, ông đã trồng thêm được 600 trụ. Hiện tại, vườn tiêu rộng hơn 1ha của gia đình ông đang có khoảng 1.500 trụ, tất cả đều xanh tốt mượt mà.

“Với vườn hồ tiêu của mình, tôi luôn trung thành với lối canh tác hữu cơ. Tuy có vất vả hơn chút, nhưng đổi lại là chi phí thấp, vườn cây lại được an toàn. Hiện tôi vẫn đang còn đất, nên tôi vẫn tiếp tục trồng thêm hàng năm”, ông Lang nói.

Mạnh dạn đầu tư

Ông Hoàng Phước Bính là người có thâm niên với cây hồ tiêu lâu năm trong vùng. Ông cũng là một trong số ít người đi tiên phong trong việc tìm kiếm, đưa cây giống hồ tiêu cũng như những kỹ thuật tiên tiến về với vùng đất Chư Sê này. Do vậy, ông được chính quyền và người trồng tiêu nơi đây bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê trong suốt nhiều năm qua.

Ông Hoàng Phước Bính (bìa trái) hưỡng dẫn nông dân chăm sóc vườn hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Ảnh: ĐL. 

Ông Hoàng Phước Bính (bìa trái) hưỡng dẫn nông dân chăm sóc vườn hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Ảnh: ĐL. 

Trong cơn đại dịch hồ tiêu của những năm trước, những vườn tiêu của ông cũng không tránh khỏi bởi theo ông thì, vườn nhà này liền kế với vườn nhà kia, do đó bệnh lây lan vườn này sang vườn khác là lẽ thường. Tuy nhiên không vì vậy mà ông nản chí, cụ thể là mới đây, ông đã bỏ ra 3 tỷ đồng, mua lại vườn hồ tiêu 10 ngàn trụ với diện tích khoảng 7ha tại xã Ia H’Lốp (huyện Chư Sê).

“7 ha tôi mới mua thì có khoảng trên 20% bị chết do dịch. 10 ngàn trụ còn lại đang trong giai đoạn kinh doanh. Cá nhân tôi dự báo chu kỳ hồ tiêu lên giá lần này ít nhất là 10 năm, do đó tôi mạnh dạn đầu tư cho vườn tiêu này”, ông Bính nói đầy tự tin.

Ở thôn An Điền thuộc xã Ia Blang (huyện Chư Sê), người ta biết đến anh Lê Hùng Huấn bởi anh là người dám “chơi lớn” khi mạnh dạn đầu tư số tiền khủng vào lĩnh vực nông nghiệp với cao su, cà phê, hồ tiêu, trồng rừng... Riêng hồ tiêu, hiện anh đã có đến 10 ngàn trụ đang xanh tốt.

“Dịch bệnh thì có ảnh hưởng nhưng không nhiều, do vườn tiêu của gia đình tôi tương đối độc lập, lại được áp dụng biện pháp chăm sóc hữu cơ”, anh Huấn nói.

Mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm anh mạnh dạn trồng mới hàng ngàn trụ tiêu, với niềm tin chắc thắng vào chu kỳ tăng giá này.

Ông Trần Minh Triều, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, diện tích hồ tiêu thống kê được hồi cuối tháng 7/2024 của toàn huyện là 1.132ha, có tăng nhẹ so với vài năm trước đây. Việc người dân đang quay lại phát triển diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là tín hiệu đáng mừng, bởi đây là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Cũng theo ông Triều thì hiện giá tiêu đang rất ổn, dao động từ 140 - 160 ngàn đồng/kg, và có khả năng còn lên cao thêm nữa.

Ông Trần Minh Triều, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê: “Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên trồng mới ồ ạt, đồng thời nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đảm bảo vườn cây phát triển an toàn, ổn định, tránh bị dịch bệnh. Tất cả phải chuẩn chỉ từ khâu chuẩn bị đất cho đến cây giống, quá trình chăm sóc…”.

Xem thêm
Nuôi gà VietGAHP liên kết, xuất chuồng tới đâu bán hết tới đó

Dự án 'Nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà thịt lông màu theo tiêu chuẩn VietGAHP' đang được triển khai tại 5 tỉnh, thành phía Bắc mở ra hướng đi bền vững cho nông dân.

Tập trung tiêu độc khử trùng, ổn định tổng đàn sau mưa lũ

THANH HÓA Nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, sau mưa lũ tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn được giữ ổn định.

Ứng dụng công nghệ quảng bá mai vàng

TP.HCM Nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.HCM áp dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc mai, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để đưa mai đến người chơi khắp cả nước.

Bình luận mới nhất