Trong đợt thiên tai vừa qua, lũ lên nhanh, đàn lợn hơn 80 con của nhà anh Nguyễn Văn Quyền ở thôn Thịnh Bình xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái chỉ kịp di chuyển 70 con lên vị trí cao, còn lại 13 con không kịp chạy bị lũ cuốn trôi. Sau khi nước rút cả khu chuồng trại của gia đình bị bùn đất bồi lấp, cả gia đình anh Quyền tập trung dọn dẹp vệ sinh khu chuồng chăn nuôi để đưa đàn lợn chạy lũ trên đồi trở lại chuồng.
Anh Quyền chia sẻ, trong chăn nuôi việc vệ sinh phòng bệnh cho đàn lợn là quan trọng nhất nên anh làm tất cả mọi thứ để cho đàn lợn phát triển tốt nhất. Việc tái đàn được gia đình anh thực hiện ngay vì vẫn duy trì được 7 con lợn nái, từ giờ đến Tết Nguyên đán sẽ vẫn có lợn cung cấp ra thị trường.
Trại gà của anh Đặng Văn Thành, ở thôn Phú Thọ, xã Việt Thành có diện tích trên 600m2, quy mô chăn nuôi 4.500 con/lứa. Trong đợt lũ lụt vừa qua, do nước lên nhanh, trại gà ngập sâu hơn 1m, cả đàn gà 2 tháng tuổi chết gần hết, chỉ còn xót lại 200 con do bay đậu được lên cao.
Ngay sau nước rút, gia đình anh Thành tập trung gạt bùn đất, vệ sinh chuồng nuôi, máng ăn uống, tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng kết hợp với rắc vôi bột quang trang trại. Sau khi chuồng khô thoáng, đảm bảo không còn mầm bệnh anh đã tái đàn để nuôi kịp bán trong đợt Tết.
Anh Thành cho biết, sau khi nước rút bão tan, gia đình anh tập trung vệ sinh chuồng trại, thực hiện khử trùng nhiều lần. Đảm bảo vệ sinh, gia đình anh đã tái đàn, đến nay được gần 20 ngày, nhìn chung gà phát triển tốt, gia đình anh cũng thực hiện tiềm đủ vacxin cho đàn gà.
Xã Việt Thành là một trong những địa phương có đàn vật nuôi bị thiệt hại lớn của huyện Trấn Yên, trận lũ lụt lịch sử do hoàn lưu bão số 3 đã làm trên 33.000 con gia súc, gia cầm bị chết, chủ yếu là gà và lợn.
Sau mưa lũ, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao, kể cả đối với những nơi không bị ngập úng. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi, xã Việt Thành đã tuyên truyền hỗ trợ người dân phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột chuồng trại, đảm bảo sạch bệnh mới tái đàn, quá trình chăn nuôi khuyến cáo người dân tiêm đủ các loại vacxin cho đàn vật nuôi.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, sau đợt thiên tai, xã đã đến động viên các gia đình thiệt hại và phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi tập trung vệ sinh khử trùng chuồng trại để tái đàn, đảm bảo khôi phục phát triển kinh tế trong thời gian nhanh nhất.
Tại huyện huyện Trấn Yên, mưa lũ đã làm chết hơn 220.000 con vật nuôi, một số xã thiệt hại năng như Việt Thành, Minh Quán, Cường Thịnh, Báo Đáp, thị trấn Cổ Phúc… Nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng sau lũ, nguy cơ thiếu thịt hơi gia súc, gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh chuồng trại và hỗ trợ người dân tái đàn được ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện khẩn trương.
Bà Hoàng Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và PTNN huyện Trấn Yên cho biết, đơn vị đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn bà con nhân dân tiêu hủy xác những con vật bị chết do bão lũ. Hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm tái đàn.
Bên cạnh việc vệ sinh tiêu độc khử trùng, khuyến cáo người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong quá trình chăn nuôi, tuân thủ tốt việc tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin.
Việc sớm tái đàn sẽ giúp người chăn nuôi khôi phục sản xuất, ổn định thu nhập, kịp thời cung ứng sản phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội. Tuy nhiên, để tránh thiệt hại kép do cả thiên tai và dịch bệnh, các ngành chức năng địa phương cần sát sao hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch hiệu quả, đồng thời lựa chọn nguồn con giống đảm bảo chất lượng.