Cùng với thu hái quả, hoạt động du lịch sinh thái gắn với vườn hồng được đẩy mạnh, khẳng định hướng đi mới nhiều triển vọng ở địa phương.
Gìn giữ chất lượng
Từ trung tuần tháng 9, những vườn hồng trên dãy Đại Huệ của người dân các xã Nam Anh, Nam Xuân (huyện Nam Đàn) đã bắt đầu chín. Từ xa nhìn lên núi đã thấy màu vàng rực của hồng. Theo người dân địa phương, vụ hồng năm nay đến sớm hơn mọi năm. Hồng trứng, hồng gáo (quả to, dài) được mùa hơn năm trước, tuy nhiên, hồng cậy (quả nhỏ) lại không sai quả bằng.
Đang thu hoạch hồng trên sườn đồi, anh Nguyễn Huy Nhi (50 tuổi) ở xóm 6, xã Nam Anh cho biết: Nhà anh trồng hồng từ năm 2000 đến nay. Hiện trong vườn có khoảng 100 gốc hồng, trong đó 50 gốc đã cho quả, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 2 tấn quả. Năm nay, gia đình anh đã thu hoạch xong, sản lượng không thua năm ngoái. Ngoài hồng, trong vườn nhà anh còn trồng xen canh hoa lí, sả, chè… Anh Nhi cho biết, hồng ở địa phương được chiết ghép từ những cây hồng thuần chủng, sai quả, quả to, ngọt nhằm giữ những gen tốt của quả hồng đặc sản Nam Đàn.
Mùa hồng thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Các loại hồng chín không cùng thời điểm nên người dân chia ra nhiều đợt thu hoạch. Hiện bà con các xã đã thu hái xong hồng sơn, hồng trứng, hồng gáo và đang bước vào mùa hồng cậy. Thời tiết mưa nắng thất thường, đặc biệt là hoàn lưu bão số 6 gây mưa kéo dài ảnh hưởng đến việc thu hoạch hồng của bà con.
Trời mưa, thân cây hồng trơn khó trèo, đường lên xuống núi cũng khó khăn. Do vậy, những ngày mưa người dân thường nghỉ hái hồng. Trời hửng nắng, bà con mới tiếp tục lên núi thu hoạch. Anh Trần Văn Lĩnh (47 tuổi) ở xóm 7, xã Nam Anh đang hái hồng trong vườn cho biết: Gia đình anh có 3 vườn hồng với khoảng 80 gốc. Trong đó 2 vườn của nhà, 1 vườn thuê của gia đình trong xóm với giá 55 triệu/5 năm. Mỗi năm anh Lĩnh thu hoạch khoảng 3 - 4 tấn quả. Vụ hồng này anh mới thu hái được gần 3 tấn quả, dự kiến sản lượng không thua năm ngoái.
Mùa hồng đến, những hộ có nhân lực sẽ tập trung thu hoạch quả, hộ neo người phải bán hồng cả vườn cho lái buôn hoặc những người chuyên đi hái hồng thuê. Chị Nguyễn Thị Hòa (35 tuổi) ở xóm Xuân Hồng, xã Nam Xuân cho biết: “Nhà tôi trồng 2 vườn hồng khoảng 100 gốc đã cho trái nhiều năm. Những năm trước chồng tôi ở nhà tự thu hái rồi mang đi nhập. Nay chồng đi xuất khẩu lao động, tôi thì bận đi làm công ty nên phải bán quạ cho lái buôn cả vườn”.
Mở rộng thị trường
Tại các ”vựa hồng” Nam Anh, Nam Xuân đều có nhiều cơ sở thu mua hồng. Một số người đi hái hồng cũng gom về nhập cho các cơ sở này. Bà con mang hồng đến các điểm thu mua, cân lên, tính tiền, nhận tiền khá nhanh gọn. Ông Hồ Viết Chương (xã Nam Anh) cho biết trung bình mỗi buổi đi hái hồng, ông và con trai hái được hơn 1 tạ, nhập hồng, lấy tiền ngay rất thuật lợi.
Ở các cơ sở thu mua, hồng sẽ được chọn lựa, phân loại, bỏ hết các quả sâu, hỏng… Chị Nguyễn Thị Loan - chủ cơ sở thu mua hồng ở xóm 7, xã Nam Anh cho biết: Thời điểm này đang giữa mùa hồng, gia đình chị mỗi ngày nhập vào trên dưới 1 tấn quả, dân hái được chừng nào mua hết chừng đó, chủ yếu đóng thùng chuyển đi Hà Nội tiêu thụ. "Năm nay tiêu thụ rất thuận lợi, ngoài khách mua ở Vinh còn có khách xa. Khách Hà Nội đặt hồng nhiều, mỗi khách lấy 5 - 6 tạ/chuyến, không lo đầu ra như nhiều năm trước" - chị Loan nói.
Người dân địa phương thường làm hồng chín ngọt bằng 2 cách, ngâm nước và ủ khô. Mỗi cách có ưu điểm riêng. Hồng ngâm nước giếng trong các thùng, chum, vại... thường giòn, ngọt, màu vàng sáng, còn hồng ủ khô trong các thùng xốp thì chín mềm và có màu đỏ tươi.
Để tạo nên những quả hồng chín mềm, căng mọng, ngọt lịm khi đến tay khách hàng, người ủ hồng cũng cần có kinh nghiệm, nhất là việc căn thời gian để "ra hàng". Khi hồng đã chín cần phải vận chuyển đi ngay, nếu để chín quá sẽ bị giảm chất lượng. Hồng ủ dễ bị dập hơn hồng ngâm, cần phải đóng vào thùng xốp, thùng nhựa cẩn thận.
Năm nay, nhiều cơ sở thu mua chọn cách ủ hồng bằng các thùng xốp, phía trên tấp thêm rơm và chăn bông để giữ nhiệt. Mỗi lần ủ trên dưới 1 tấn quả. Sau 4 ngày đêm khi hồng vừa chín tới thì soạn ra đóng thùng, gửi đi. Theo các cơ sở thu mua, thị hiếu của người dân các tỉnh phía Bắc dường như thích hồng chín mềm, màu đỏ tươi hơn hồng ngâm giòn truyền thống.
Thị trường hồng năm nay đã được mở rộng hơn. Trước đây, bà con chỉ bán ở các chợ quê, dọc quốc lộ 46, 15A, đưa đi TP Vinh nhập, ngâm vài tạ hồng đã lo bán không được. Nay thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh, thành phía Bắc, đặc biệt là thị trường Hà Nội nên số lượng hồng tiêu thụ lớn hơn trước nhiều. Nửa cuối mùa hồng, khách du lịch đến tham quan các vườn hồng sẽ góp phần tiêu thụ một lượng hồng nhất định. Ngoài bán trực tiếp, hồng còn được bán trên mạng…
Ông Nguyễn Thúc Quang, Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết, trên địa bàn có trên 100ha hồng, tập trung tại 5 xóm dưới chân núi Đại Huệ gồm hồng cổ thụ (trên dưới 100 tuổi) và hồng “trẻ” từ 20 - 40 năm tuổi. Trung bình mỗi năm, toàn xã thu hoạch 500 - 700 tấn quả, thu về 13 - 17 tỷ đồng.
Tại xã Nam Xuân có khoảng 90ha hồng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 300 tấn quả. Xã Nam Hưng có khoảng 1.000 gốc, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn. Tính chung cả huyện Nam Đàn, mỗi vụ hồng được mùa cung cấp cho thị trường khoảng 800 – 900 tấn quả. Hiện hồng trứng được các cơ sở thu mua với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 5.000 - 8.000 đồng. Hồng cậy có giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg. Tuy không sai quả bằng những năm trước, nhưng hồng năm nay được giá, chạy hàng, bà con trồng hồng ở quê Bác có thêm một mùa quả ngọt.
Khác với trám, người đi mua hồng cả cây không mua khi mới ra hoa, mà chỉ mua khi hồng đã chín, sắp thu hoạch, do đó xác suất thua lỗ ít. Ông Nguyễn Kim Nhuần (64 tuổi) - một người mua hồng vườn ở xóm 7, xã Nam Anh cho biết, vụ hồng này nhà ông bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua hồng của người dân trong xã, sau đó hái dần về nhập cho các cơ sở thu mua. Người hái hồng thuê được trả tiền công 400.000 đồng/ngày.