Năm 2023, sau những lần tìm hiểu trên các phương tiện thông tin, thấy giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng ở Đà Lạt cho hiệu quả kinh tế cao cũng như điều kiện khí hậu ở Mù Cang Chải có nét tương đồng với Đà Lạt, gia đình anh Giàng A Mùi (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) đã mạnh dạn đầu tư 4,6 tỷ đồng làm nhà màng, thiết kế hệ thống dẫn nước từ suối về trang trại và mua cây giống, phân bón và thuê nhân công để trồng cà chua.
Thời tiết ở xã Nậm Khắt mát mẻ quanh năm, kiểu khí hậu này rất thích hợp cho giống cà chua Beef sinh trưởng, phát triển. “Thiên thời” ở chỗ các vùng sản xuất nông nghiệp khác đang vào thời điểm nắng nóng, khó trồng cà chua thì người dân ở đây lại bắt đầu vào vụ thu hoạch cà chua trái vụ nên bán rất được giá, thu nhập cao.
Cuối tháng 10, chúng tôi đến thăm trang trại cà chua rộng gần 2ha của anh Mùi. Trang trại nằm giữa cánh đồng bằng phẳng, được lắp đặt hệ thống nhà màng, phía ngoài được rào lưới B40 để ngăn gia súc. Toàn bộ diện tích này là ruộng lúa của người dân được anh Mùi thuê lại để trồng cà chua.
Bước vào trang trại, chúng tôi choáng ngợp bởi những luống cà chua đan với nhau cao hơn đầu người, những quả cà chua nhiều màu từ gốc lên ngọn tạo cảm giác như lạc vào công viên với những chiếc cổng hoa rực rỡ. Trong trang trại, gần 2 chục người dân đang bắc ghế đứng lên cao hái quả, một nhóm khác tất bật phân loại cho vào những chiếc thùng nhựa.
Theo anh Mùi, giống cà chua Beef rất phù hợp với khí hậu Mù Cang Chải, nhất là ở Nậm Khắt, không cần kỹ thuật cao trong chăm sóc, người trồng chỉ cần chú ý bón phân trong thời điểm cây bắt đầu ra hoa, đậu quả.
Thời tiết thuận lợi nên cà chua trồng ở đây cho quả to, mẫu mã đẹp, thời gian thu hoạch có thể kéo dài. Nhờ đầu tư nhà màng và hệ thống tưới nước sạch dẫn từ khe núi nên năng suất và chất lượng quả tốt, hạn chế sâu bệnh cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học trong quá trình chăm sóc.
Việc thu hoạch cà chua được thực hiện hái quả chín lần lượt từ gốc đến ngọn, cà chua thường bắt đầu trồng từ khoảng 3 - 4 âm lịch, thu hoạch từ tháng 6 – 7, thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ đến 3 - 3,5 tháng mới hết vụ.
Quy trình sản xuất cà chua được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được theo dõi nghiêm ngặt, có ghi nhật ký sản xuất hàng ngày và thực hiện cách ly đảm bảo thời gian trước khi thu hoạch. Sản phẩm được đóng thùng nhựa, sau đó chuyển về bán buôn cho các chợ đầu mối ở Vĩnh Phúc, Hà Nội với giá dao động theo mùa, giữa vụ từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại, lúc trái vụ có thể lên đến 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Quả cà chua Beef khi nấu nhanh mềm, tỉ lệ bột nhiều. Hiện cà chua ở Nậm Khắt đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Việc trồng trong nhà màng, kết hợp với bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật và tưới nước đúng quy trình giúp cho cà chua có năng suất có đạt đến 100 tấn/ha.
Hiện nay, trang trại cà chua của ông Mùi còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Anh Giàng A Tính ở xã Nậm Khắt chia sẻ, gia đình anh đã cho thuê đất ruộng cấy lúa 1 vụ với mức 5.000 đồng/m2/năm để trồng cà chua. Với gần 2.000m2 đất ruộng, mỗi năm nhà anh Tính được trả gần chục triệu đồng. Bên cạnh đó, 2 vợ chồng anh còn làm việc tại đây với công việc chính là chăm sóc và thu hái quả với thu nhập ổn định hơn trước.
Ông Lý A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã có hơn 100ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất gieo cấy 1 vụ lúa và diện tích cây trồng kém hiệu quả được người dân cho các doanh nghiệp, HTX và cá nhân thuê để chuyển đổi sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như nấm, hoa hồng, khoai tây, cà chua, ớt và một số rau màu ưa lạnh.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp vận động người dân cho các doanh nghiệp, HTX thuê đất để mở rộng diện tích các cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao. Từ đó giúp người dân có thu nhập từ tiền thuê đất và có việc làm ổn định trong các nông trại.