Anh Điểu Nghĩa và vườn rau nhíp “cổ thụ” (Ảnh: PV)
Với đồng bào S’tiêng ở Bình Phước, loài rau này luôn có mặt trong các ngày lễ hội truyền thống. Hiện loài rau này đã trở thành đặc sản quý.
Với đặc điểm dễ trồng, không tốn công chăm sóc, không sâu bệnh, nên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, rau nhíp là một trong những loại thực phẩm sạch nhất. Vì thế, loài rau này được người tiêu dùng chào đón nồng nhiệt.
Đến nhà anh Điểu Nghĩa ở thôn Sơn Hòa 1, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, vườn điều phía sau nhà anh được trồng xen rau nhíp dày đặc. Vườn rau nhíp của anh trồng đã được chục năm.
Anh cho biết: “Thấy nhu cầu sử dụng lá nhíp của người dân ngày càng nhiều, trong khi rừng ngày càng cạn kiệt, bà con phải đi rất xa mới lấy được rau nhíp về ăn nên tôi quyết định mang về nhà trồng. Đây là loại cây rất dễ sống, lại không cần đến phân bón nên tuyệt đối an toàn. Thấy tôi trồng tốt, bà con cũng mang về trồng. Vài năm nay, bà con bắt đầu trồng nhiều”.
Hiện gia đình anh Nghĩa có khoảng 2,5ha rau nhíp (gần 2.000 cây) được xen canh dưới tán điều. Vào mùa mưa, rau nhíp có giá 30 ngàn đồng/kg, mùa nắng giá cao hơn chút. Bình quân mỗi tháng anh Điểu Nghĩa thu từ 5 - 6 triệu đồng từ loài rau rừng này.
Điểu Nghĩa cho biết: Cây rau nhíp dễ sống nhưng không trồng đúng cách sẽ khó thành công. Đặc biệt, nó sẽ không phát triển nếu trồng độc lập, phải được trồng dưới tán cây mát. Mỗi hom giống dài khoảng 80cm, hố khoan rộng 50cm, sâu 50cm. Khi trồng bỏ 2/3 hom xuống hố lấp đất lại, mỗi hố trồng khoảng 6 - 7 hom giống.
Anh Điểu Nghĩa và vườn rau nhíp “cổ thụ” (Ảnh: PV)
Tuy chi phí rẻ (chưa đến 10 triệu đồng mỗi hecta) do chỉ tốn tiền khoan, ngày công, còn cây giống không mất tiền mua nhưng đó lại là khâu vất vả nhất, vì phải vào rừng kiếm, chọn những giống cây khỏe, đẹp, số lượng lớn, nên mất nhiều thời gian. Nếu được tưới nước đầy đủ vào mùa khô, chăm sóc, cắt tỉa cành đúng kỹ thuật, chặt cành cách mặt đất khoảng 1,5m vừa tầm cho người đứng thu hoạch, cây sẽ cho nhiều lá. Hái lá đúng kỳ sẽ cho thu hoạch quanh năm, đem lại cho chủ vườn khoản thu lớn.
Trước đây rau nhíp mọc tự nhiên, muốn ăn phải đợi đến mùa mưa. Giờ đây người dân đã mang về trồng quanh nhà nên ngoài việc có rau sạch ăn quanh năm, còn bán kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, hiện việc trồng loài rau đặc sản này còn tự phát. Nếu có đầu tư bài bản như liên kết trồng, tiêu thụ ổn định với các nhà hàng lớn trong tỉnh và TP.HCM, thì thu nhập sẽ cao hơn, ổn định hơn, nâng cao đời sống đồng bào S’tiêng và thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một đi lên.
Ông Điểu Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn cho biết: “Hiện ở Thọ Sơn có khoảng 15ha rau nhíp, trong đó người có diện tích lớn nhất là anh Điểu Nghĩa, còn lại các hộ trồng xen canh dưới tán điều với diện tích nhỏ, bình quân từ 1 - 5 sào và trồng quanh nhà”.