| Hotline: 0983.970.780

Rau sản xuất theo hướng thuận thiên luôn 'cháy hàng'

Thứ Sáu 05/04/2024 , 16:15 (GMT+7)

Các loại rau canh tác theo hướng thuận thiên này bán giá gấp 4 - 5 lần sản phẩm cùng loại ngoài chợ nhưng sản xuất vẫn luôn không đáp ứng kịp nhu cầu.

Các loại rau sản xuất thuận thiên của HTX đều cho phép ăn tươi ngay tại ruộng.

Các loại rau sản xuất thuận thiên của HTX đều cho phép ăn tươi ngay tại ruộng.

Bà Vũ Thị Hoa, cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hưng Yên cho biết, HTX Nông nghiệp Rau củ sạch và Dịch vụ Mạnh Cường ở xã Liên Phương (TP Hưng Yên) đang trồng rau theo hướng thuận thiên, sản phẩm luôn trong tình trạng "cháy hàng".

Lần theo các lối mòn ngoằn ngoèo trên cánh đồng thôn Đông Triều (xã Liên Phương), chúng tôi được tận mắt thấy, tai nghe tiếng chim hót líu lo, ếch và dế kêu ing ương, ộp oạp, cùng nhiều loại rau xanh, cỏ cây, hoa lá đang chen đua phát triển trong khu ruộng chừng hơn 1ha, tạo nên một quần thể sinh vật sống động, cân bằng. Đây chính là mô hình trồng rau thuận thiên của HTX, được rất nhiều chuyên gia nông học trong nước và quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đến thăm và trầm trồ khen ngợi.

Anh Phạm Mạnh Cường, Giám đốc HTX kể, anh có 5 năm làm nghề sơn tường nhà cho các bệnh viện, được chứng kiến rất nhiều người bị mắc bệnh ung thư, không thể chữa trị. Quá lo lắng cho sức khoẻ gia đình và người thân ngày nào cũng ăn đủ loại thực phẩm không biết chất lượng có đảm bảo hay không, anh Cường đã quyết định bỏ nghề, chuyển sang thuê ruộng và thành lập HTX trồng rau sạch theo hướng thuận thiên, trước nhằm đảm bảo nguồn rau xanh sạch cho gia đình, sau mới xuất bán ra thị trường.

Để sản xuất rau theo hướng thuận thiên, HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định “5 không” (không phun thuốc diệt cỏ, không bón phân hóa học, không dùng hoá chất bảo vệ thực vật, không gieo trồng giống biến đổi gen và không chất kích thích tăng trưởng). Trước đó, anh Cường còn tự bỏ tiền lấy mẫu đất và nước gửi đến các cơ quan chuyên môn phân tích, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ anh mới xuống giống gieo trồng.

Các sản phẩm rau sạch (cà chua, cà rốt, xà lách, cần tây, ớt ngọt, củ dền tím và vàng) sản xuất tại HTX.

Các sản phẩm rau sạch (cà chua, cà rốt, xà lách, cần tây, ớt ngọt, củ dền tím và vàng) sản xuất tại HTX.

Giải pháp phòng ngừa sâu bệnh hại cho rau sạch của anh Cường gồm lựa chọn hạt giống khoẻ, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao; gieo trồng đúng mùa vụ thích hợp nhất với từng loại giống như mùa hè trồng các loại rau có khả năng chịu nhiệt, mùa đông trồng các giống rau ưa lạnh; không phun thuốc diệt cỏ và hoá chất bảo vệ thực vật để khuyến khích chim và cú mèo đến ăn sâu, bắt chuột; xen canh rau xanh với một số cây trồng có khả năng xua đuổi côn trùng như sả, húng, cần tây, cúc vạn thọ kết hợp gieo thìa là để thu hút bọ ngựa, bọ rùa, bọ cánh cứng, bọ cướp biển, rệp bay, thiêu thân xanh đến tìm diệt sâu bướm, rệp sáp, rệp vừng, bọ trĩ, bọ mạt, bọ chét, bọ nhảy, nhện và bướm đêm. Chỉ đến khi mật độ sâu bệnh hại rau quá ngưỡng kinh tế (5%) anh Cường mới dùng dịch chiết từ nước ngâm tỏi, ớt pha loãng phun trừ.

Về giải pháp đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng, bên cạnh mua phân hữu cơ vi sinh từ cơ sở cung ứng có uy tín, anh Cường còn tự chế biến các loại phân này bằng cách thu gom mọi tàn dư thực vật sau thu hoạch rau, cắt nhỏ đem ủ với chế phẩm vi sinh bản địa (IMO4), sau 7 - 10 ngày lọc lấy nước cốt pha loãng tưới rau, cặn bã còn lại dùng bón lót và bón gốc. Đồng thời duy trì độ ẩm luống rau thích hợp, không bón phân hoá học để giun, dế, ếch, nhái và các vi sinh vật hữu ích trong đất sinh sôi nảy nở giúp làm tơi xốp đất trồng và chuyển hoá các dinh dưỡng khó tiêu thành dễ tiêu cho cây trồng.

Để tiêu thụ sản phẩm làm ra, đảm bảo hiệu quả sản xuất cao, anh Cường liên kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm an toàn Phú Xuyên (Hà Nội) và bán lẻ trên các mạng xã hội. Trong đó ưu tiên chọn trồng các giống rau "độc, lạ", có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khoẻ và có nguồn gốc nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Israel như cải cầu vồng, củ dền vàng, cà rốt tím, cải bắp mini, bắp ngọt, rau bông tuyết... Các loại rau này ngoài chế biến ăn chín còn cho phép ép lấy nước uống hoặc ăn sống.

"Sản xuất rau sạch theo hướng thuận thiên cho năng suất không cao, bình quân mỗi tháng chỉ sản xuất được hơn 1 tấn rau các loại nhưng giá bán lúc nào cũng cao gấp 4 - 5 lần rau cùng loại ngoài chợ. Ví dụ, cà chua tươi của HTX bán 150.000 đồng/kg, ngoài chợ 30.000 đồng/kg. Nhờ đó lợi nhuận sản xuất luôn đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 3 lao động ngoài HTX", anh Cường tiết lộ.

Cũng theo anh Cường, để không làm lỡ các đơn hàng như hiện nay, sang năm 2024, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất rau theo hướng thuận thiên lên 3ha và làm hồ sơ đề nghị đánh giá, cấp chứng nhận sản xuất rau đạt chuẩn hữu cơ...

Rau cải cầu vồng của HTX gieo trồng bằng nguồn giống nhập khẩu từ Mỹ.

Rau cải cầu vồng của HTX gieo trồng bằng nguồn giống nhập khẩu từ Mỹ.

Bà Trịnh Kim Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hưng Yên đánh giá, anh Phạm Mạnh Cường rất tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ. HTX dưới sự điều hành của anh Cường đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau theo hướng thuận thiên. Do quy mô canh tác nhỏ (1ha) không đủ điều kiện thẩm định cấp chứng nhận hữu cơ nên để khích lệ HTX, Chi cục đã đánh giá mô hình theo quy định và cấp chứng nhận VietGAP cho các loại rau sản xuất trong mô hình.     

"Diện tích gieo trồng các loại rau ăn lá và ăn quả của tỉnh Hưng Yên đạt gần 14.200ha. Phần lớn diện tích này đều được sản xuất theo hướng VietGAP, chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ. Ngành nông nghiệp Hưng Yên cũng xây dựng và thực hiện Đề án "Hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030". Bước đầu đã hình thành được mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ gồm 12ha lúa và rau quả tại các huyện Văn Lâm, Phù Cừ và TP Hưng Yên", bà Trịnh Kim Uyên cho biết.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.