Rèn luyện kỹ năng lao động hoặc rèn luyện kỹ năng kinh doanh, đều không thể bỏ qua việc rèn luyện kỹ năng làm chủ tiền bạc. Bởi lẽ, khi và chỉ khi giải quyết được bài toán tài chính cá nhân, thì con người mới có thể yên tâm sáng tạo và cống hiến.
Tiến sĩ Vũ Minh Tú là một chuyên gia tài chính với hơn 25 năm kinh nghiệm, đang đảm đương vai trò Giám đốc khối Thẩm định tín dụng Ngân hàng Bản Việt. Sau quá trình rèn luyện kỹ năng cho hai con trai của mình, tiến sĩ Vũ Minh Tú đã viết cuốn sách “Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học” để chia sẻ với công chúng.
Theo tiến sĩ Vũ Minh Tú: Khác với thời trước, các bạn trẻ ngày nay đối diện với sự phức tạp về tiền bạc đến từ chủ nghĩa tiêu dùng, mạng xã hội, các ứng dụng mua hàng, ví điện tử, thẻ tín dụng,.. đến những vấn đề lớn hơn như lạm phát, kế hoạch mua xe, mua nhà, khởi nghiệp, mong muốn làm việc tự do… Chúng ta không thể tránh khỏi những vấn đề thời đại này, mà phải làm quen, sống chung và làm chủ chúng. Nói cách khác là biến rắc rối thành sự thoải mái, và quản lý tiền bạc là bí quyết để làm điều đó.
Các thế hệ trước đây, dù không có kỹ năng quản lý tiền bạc tốt, cũng ít bị đe dọa và chịu đựng các gánh nặng về tiền bạc do sự đơn giản của nền kinh tế, lối sống và công nghệ. Trong khi, các bạn trẻ ngày nay, từ khi đi học cấp 2, đã đối diện với quá nhiều công nghệ và dịch vụ tài chính, nhưng chúng lại là các gánh nặng và rủi ro tài chính nếu không có kỹ năng quản lý tiền.
Ba điều kiện cơ bản nhất để một người bất kỳ sống lành mạnh và hạnh phúc trong xã hội ngày nay là sức khỏe, thời gian và tiền bạc. Trớ trêu thay, thường khi còn trẻ thì chúng ta dư sức khỏe và thời gian, nhưng thiếu tiền. Đến tuổi trung niên chúng ta đã tích lũy đủ tiền và vẫn còn sức khỏe, nhưng lại thiếu thời gian vì phải tập trung cho việc kiếm tiền. Đến tuổi già, thường thì chúng ta có đủ tiền, thừa thời gian nhưng lại không còn sức khỏe. Vậy làm thế nào để có cả ba điều kiện này cùng lúc ngay từ khi còn trẻ? Cách duy nhất là phải làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học.
Chúng ta thường cho rằng có càng nhiều tiền thì càng tốt, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Bạn có thể thấy nhiều người giàu có, hoặc có thu nhập rất cao nhưng có một cuộc sống bất hạnh và vẫn cảm thấy thiếu thốn tiền bạc, ngược lại, cũng có những người tuy không giàu nhưng vẫn tận hưởng cuộc sống thoải mái, không hề túng thiếu. Đó là nhờ làm chủ tiền bạc.
Ngay từ khi còn là học sinh cấp 3 hoặc sinh viên, nếu biết cách làm chủ tiền bạc, thì khi trưởng thành người ấy càng có nhiều lợi thế để tiến đến mục tiêu tự do tài chính. Trong cuốn sách của mình, tiến sĩ Vũ Minh Tú lưu ý một số yếu tố cơ bản để làm chủ tiền bạc như cách chi tiêu, cách dùng smartphone để quản lý tiền, cách tiết kiệm, cách đầu tư, cách vay tiền khôn ngoan, cách khởi nghiệp và cách dự phòng cho những lúc khó khăn.
Có ba ác mộng đối với con người hôm nay. Ác mộng thứ nhất là việc luôn thiếu hụt tiền bạc. Dù đã dự kiến số tiền đã tiêu xài trong một tháng, nhưng trước các cám dỗ sẽ luôn chi tiêu nhiều hơn dự kiến nên trước ngày cuối tháng thì đã cạn tiền, và hầu như luôn trong tình trạng túng thiếu. Ác mộng thứ hai là việc lâm vào tình cảnh nợ nần với sự dễ dãi trong việc cấp thẻ tín dụng, cho vay trực tuyến và kích thích mua trước trả sau cho đến khi số tiền quá lớn, và nhiều hậu quả nặng nề xảy ra. Ác mộng thứ ba là làm việc quần quật mà vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra.
Làm sao xóa bỏ ba ác mộng kia? Trước hết, cần phải phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn để có cách hành xử khác nhau. Định nghĩa nhu cầu là những gì cần thiết để duy trì một cuộc sống lành mạnh, ví dụ như ăn uống, quần áo, chỗ ở, giáo dục, y tế.. và phải đảm bảo, không giảm mua sắm mà giảm chi phí bằng các cách sắp xếp cụ thể. Định nghĩa mong muốn là làm cho cuộc sống thêm thú vị, thoải mái, tiện nghi hơn, ví dụ như thiết bị thông minh, thời trang, du lịch, giải trí, chơi game… và có thể giảm mua sắm, trì hoãn mua sắm mà vẫn duy trì sự thoải mái.
Để phân biệt đâu là nhu cầu và mong muốn đối với bản thân, hãy xem những món hàng vừa vượt quá thu nhập hay số tiền mình có, vừa lại chưa có nhu cầu sử dụng thường xuyên từ trước đến nay, thì đó hầu hết là mong muốn. Ngược lại, những món hàng hay dịch vụ mà trong khả năng chi trả và đã dùng thường xuyên từ lâu, sẽ là nhu cầu, cho dù đó là khoản mục ăn ở, đi lại, hay học hành, giải trí… Theo tình hình thu nhập và nhu cầu thường xuyên của mỗi người, cũng có thể điều chỉnh phân loại của nhiều món hàng, từ nhu cầu thành mong muốn khi giảm thu nhập, hoặc từ mong muốn thành nhu cầu khi tăng thu nhập.
Các bậc phụ huynh nên làm gì khi con trẻ muốn làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học? Tiến sĩ Vũ Minh Tú tư vấn: “Với vai trò là một người bố của hai đứa con, tôi nghĩ không có gì tốt bằng cho các cháu tự chủ, độc lập, đi vào cuộc sống từ sớm. Việc cho trẻ em học quá nhiều mà không có thực hành thì sẽ bị giảm giá trị. Ở những nước phát triển như Mỹ thì ngay khi học cấp 3 là đã học cái môn quản lý và đầu tư tài chính trong các trường trung học và đã được gia đình cấp vốn để đầu tư rồi.
Vậy thì việc chúng ta cần làm là gì? Chúng ta cho các con một số tiền nhỏ, và chúng ta xem nó như là một khóa học, thậm chí thua lỗ hoàn toàn thì cũng như một khóa học thôi, mà rẻ hơn khóa học nhiều. Chúng ta đồng hành để theo dõi cùng các con. Và khi các con đầu tư mà các con thấy hài lòng hay là có lãi chút đỉnh, thì các bậc bố mẹ có thể khen thưởng thêm, hoặc động viên và cùng với các con để tìm hiểu luôn.
Ngoài ra, với những bố mẹ mà giỏi trong một lĩnh vực nào đó, ví dụ như bố mẹ cũng biết về tài chính chứng khoán, hoặc bố mẹ là một kỹ sư xây dựng, có thể khuyến khích con đầu tư trong ngành nghề mà mình hiểu rõ và chính mình cũng đang đầu tư. Điều này giúp có thêm không gian tương tác giữa bố mẹ với các con.