Công nghệ mới này vừa được thử nghiệm tại trạm thủy điện Tingzikou ở huyện Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên khi thả con robot 5G được trang bị camera lặn xuống hồ nước tĩnh sâu 20 mét để ghi lại những hình ảnh chi tiết theo thời gian thực qua mạng 5G.
Những hình ảnh sống động này được chuyển ngay tức thì tới trung tâm điều hành để các chuyên gia đánh giá tình hình và mức độ chống chịu của hệ thống đê, đập liệu có thể chống chịu được với các trận sóng gió và lũ lụt trong tương lai hay không, cũng như lên các phương án, giải pháp tu bổ, sửa chữa.
Các chuyên gia thủy lực Trung Quốc cho hay, con robot 5G này là một phần của dự án Đài thủy điện 5G do tập đoàn China Mobile, China Datang Corp, một trong những doanh nghiệp sản xuất điện lớn nhất liên kết với Đại học Thanh Hoa triển khai thực hiện.
Đây cũng là lần đầu tiên công nghệ robot 5G siêu nhanh được ứng dụng vào hoạt động tại các trạm thủy điện ở Trung Quốc và mở ra cơ hội rộng lớn hơn nữa cho China Mobile đẩy nhanh quá trình ứng dụng thế hệ mạng di động thứ năm (5G) trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Wang Haoran, một chuyên gia Viện Nghiên cứu Năng lượng Internet Tứ Xuyên của Đại học Thanh Hoa cho biết, trước đây cứ sau khoảng mỗi ba đến năm năm hoặc bất cứ một trận lũ lụt lớn nào xảy ra, trạm thủy điện Tingzikou đều phải tiến hành kiểm tra tổng thể toàn bộ lưu vực để đánh giá thiệt hại hoặc rủi ro có thể gây ra thảm họa từ hệ thống đê điều, thủy điện...
Theo đó giải pháp truyền thống là đội ngũ công nhân phải lặn sâu xuống các vùng nước để thăm dò các sự cố rồi sau đó mới rút nước xây kè hoặc gia cố các công trình đê, đập, kè đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm sau. Công việc này vừa rất kém hiệu quả vừa tốn thời gian và gây cản trở, gián đoạn hoạt động sản xuất hàng ngày của nhà máy thủy điện.
Ông Wang cho biết, mỗi lần tu bổ như vậy trước đây phải cần từ 3 đến 6 tháng và tiêu tốn khoảng 5 triệu nhân dân tệ, tương đương 748.000 USD. Tuy nhiên với sự trợ giúp của các robot dưới nước có hỗ trợ 5G, quá trình này có thể được rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 20 ngày mà còn rút bớt được nhiều công đoạn.
Và đặc biệt với lợi thế về băng thông lớn của mạng 5G, hình ảnh có độ nét cao từ robot thu thập ở dưới nước được truyền về trung tâm điều khiển trong thời gian thực để nhân viên có thể điều chỉnh cho robot loại bỏ phù sa, vật cản. "Chi phí cho mỗi lần thăm dò tổng thể giờ đây đã giảm đáng kể, xuống chỉ còn khoảng 700.000 nhân dân tệ", ông Wang cho biết thêm.
Ngoài các robot lặn dưới nước, các thế hệ máy bay không người lái có hỗ trợ 5G cũng được sử dụng để kiểm tra các đập, kè của nhà máy thủy điện, bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ tiên tiến khác cũng được China Mobile thiết lập ứng dụng với độ chính xác cao.
Hiện tại, những công nghệ này đang hướng tới triển khai dưới biển.