| Hotline: 0983.970.780

Beidou- công nghệ ‘sát thủ’ Trung Quốc lấn sâu vào mọi ngõ ngách

Thứ Ba 18/08/2020 , 14:45 (GMT+7)

Đó là hệ thống vệ tinh dẫn đường tích hợp giữa bộ ba công nghệ Beidou, 5G và IoT được thiết lập để tiếp tục cách mạng hóa khu vực nông nghiệp.

Combo "ba trong một"

Theo đó, với việc nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận và ứng dụng hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc sẽ tạo thêm động lực cho việc tích hợp sâu hơn với các công nghệ viễn thông như 5G và internet vạn vật (IoT).

Đội ngũ kỹ thuật viên của Beidou lắp đặt hệ thống vệ tinh dẫn đường trên xe bus ở  thành phố Thiên Tân. Ảnh: THX

Đội ngũ kỹ thuật viên của Beidou lắp đặt hệ thống vệ tinh dẫn đường trên xe bus ở  thành phố Thiên Tân. Ảnh: THX

Theo các chuyên gia, khi hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu Beidou thế hệ mới nhất hoàn thành trong năm 2020 thì người dùng khách hàng trên thế giới sẽ có thêm sự lựa chọn mới với độ chính xác cao hơn các hệ thống vệ tinh hiện nay như hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các chức năng hỗ trợ của Beidou đã được ứng dụng trên 50.000 máy móc nông nghiệp và cho thấy hiệu quả hoạt động rõ ràng. Người dân trồng bông ở khu tự trị Tân Cương thậm chí đã triển khai ứng dụng máy bay không người lái hoặc drone điều hướng Beidou để phun thuốc trừ sâu thay cho sức người, do đó tiết kiệm được nhân lực, chi phí và thời gian.

“Combo tích hợp giữa Beidou, 5G và IoT này có thể đạt độ chính xác tới từng milimet, trong khi các dịch vụ vệ tinh dẫn đường hiện nay trên thế giới gần như không thể thực hiện được tại các vị trí phức tạp như bên trong các tòa nhà, dưới lòng đất, dưới nước thì Beidou có thể đáp ứng được các dịch vụ này một cách chính xác”, đại diện hãng Beidou tuyên bố hôm 31/7/2020.

Và điều quan trọng hơn, xu hướng công nghệ điều hướng tích hợp chặt chẽ với công nghệ viễn thông của Beidou không những sẽ cho phép nhiều ứng dụng tiện ích hơn trong giao thông, năng lượng, quản lý đô thị mà dự báo nó sẽ cải thiện, nâng cao năng suất cho khu vực nông nghiệp, đánh bắt cá, phòng tránh thiên tai và nhiều lĩnh vực khác.

Miao Qianjun, nguyên Tổng thư ký của Hiệp hội dịch vụ định vị và hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu của Trung Quốc, cho biết: “Kỷ nguyên của Beidou với tư cách là một hệ thống toàn cầu đang đến gần bởi sức mạnh tổng hợp của điều hướng và viễn thông là một xu hướng tất yếu và sẽ được ứng dụng ngày một rộng rãi trong đời sống”.

Beidou là hệ thống hạ tầng không gian lớn nhất của Trung Quốc và là một trong bốn mạng định vị toàn cầu, cùng với GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Liên minh châu Âu. Kể từ năm 2000, 59 vệ tinh của Beidou, bao gồm cả 4 vệ tinh thử nghiệm đã được triển khai và ba trong số đó đã ngừng hoạt động vào cuối năm 2012.

Máy cấy lúa không người lái được hỗ trợ bởi hệ thống vệ tinh điều hướng Beidou trình diễn ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô hồi tháng 6/2020. Ảnh: CND

Máy cấy lúa không người lái được hỗ trợ bởi hệ thống vệ tinh điều hướng Beidou trình diễn ở Thường Châu, tỉnh Giang Tô hồi tháng 6/2020. Ảnh: CND

Trung Quốc cũng là quốc gia đi tiên phong thương mại hóa IoT và 5G, theo đó Beidou dự kiến ​​sẽ thu được nguồn lợi nhuận lớn trong thời gian tới. Tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc đã xây dựng được tổng cộng 410.000 trạm 5G, đặt nền tảng cho các công ty trong nước thử nghiệm các ứng dụng mới. Một trong những sự kết hợp điển hình giữa Beidou và 5G chính là ứng dụng chia sẻ xe đạp tại Thượng Hải và Bắc Kinh.

 Ông Li Kaizhu, đồng sáng lập và chủ tịch điều hành của công ty vận hành Hello Global, cho biết: "Việc ứng dụng hệ thống Beidou là nỗ lực quy mô lớn đầu tiên trong lĩnh vực du lịch chia sẻ. Nó giúp mô hình xe đạp chia sẻ hòa nhập tốt hơn vào hệ sinh thái giao thông công cộng đô thị. Mạng lưới của Beidou cũng giúp người dùng đậu xe một cách có trật tự do công nghệ này ưu tiên thứ tự của các phương tiện trên đường phố cũng như kiểm soát hiệu nạn ngập úng, tắc nghẽn giao thông”.

Wang Peng, chuyên gia về giao thông tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: "Sự kết hợp của 5G và Beidou đã giải quyết được vấn đề của xe đạp chia sẻ. Nếu trước đây, xe đạp được gắn chip mạng 3G, hoặc thậm chí 2G có tín hiệu kém, khiến người dùng khó tìm xe đạp hoặc thanh toán trực tuyến thì nay nhờ sự kết hợp giữa 5G và Beidou đã giải quyết được vấn đề, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng".

Tham vọng đánh chiếm thị phần quốc tế

Một em bé tham quan mô hình hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Một em bé tham quan mô hình hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Nhằm thúc đẩy sự phát triển tích hợp giữa 5G và Beidou, China Mobile, hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc và Đại học Vũ Hán hiện đã hợp tác xây dựng một phòng thí nghiệm ứng dụng liên ngành và sử dụng công nghệ định vị chính xác trong nhiều lĩnh vực hơn nữa. Liên minh này hiện đã thu hút được hơn 20 doanh nghiệp, bao gồm các “ông lớn” về internet như Baidu, Tencent và Huawei tham gia.

Tính đến cuối năm 2019, các chức năng của Beidou đã được áp dụng cho gần 6,6 triệu xe taxi, xe buýt và xe tải trên khắp Trung Quốc cùng hơn 3.200 phương tiện hàng hải dọc theo các con sông có sử dụng dịch vụ của Beidou.

Ông Ran Chengqi, Tổng giám đốc Văn phòng Điều hướng Vệ tinh Trung Quốc kiêm người phát ngôn của Beidou, cho biết ứng dụng mới có khả năng phát hiện ngay cả những chuyển động bất thường ở cấp độ centimet trong thời gian thực với độ hiệu quả và độ tin cậy cao sau khi đã được thử nghiệm trong nước và có thể nhân rộng ra nước ngoài, sau khi tính đến các đặc điểm riêng của từng quốc gia.

Tính riêng ở Trung Quốc đến năm 2019, tổng giá trị các dịch vụ định vị và dẫn đường được hỗ trợ vệ tinh đã đạt 345 tỷ nhân dân tệ (48,5 tỷ USD), tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này dự kiến ​​sẽ vượt quá 400 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm nay, với nhiều ứng dụng hơn đi vào đời sống.

Sun Jiadong, một học giả tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nguyên là thiết kế trưởng của Beidou trước đó tuyên bố: "Những gì chúng tôi đang làm ở Trung Quốc là nhằm đặt nền móng cho các ứng dụng toàn cầu của Beidou. Dự kiến Beidou sẽ bắt đầu cung cấp toàn bộ các dịch vụ toàn cầu vào năm 2020 và tôi tin rằng sự bùng nổ toàn cầu hóa của nó sẽ đến vào khoảng năm 2021".

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, thời gian qua Beidou cũng đã đóng một vai trò tích cực trong việc hỗ trợ triển khai xây dựng hai bệnh viện dã chiến siêu tốc Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc thông qua các ứng dụng định vị, lập bản đồ...

Tập đoàn xây dựng Bắc Kinh Group Co Ltd, cũng đã ứng dụng công nghệ của Beidou để theo dõi, thăm dò các đường ống dẫn khí đốt, giúp xác định nhanh các sự cố rò rỉ trước tránh rủi ro, thiệt hại. Và trong mùa mưa bão này, Beidou đã đóng một vai trò không thể thiếu trong việc giúp ngư dân giảm thiểu thiệt hại và tránh sóng to gió lớn.

Vào đầu tháng 8 vừa qua, khi bão Hagupit đổ bộ vào miền duyên hải ở tỉnh Phúc Kiến, tất cả các tàu thuyền đánh bắt đã kịp thời neo đậu tránh trú tại vịnh nhờ được thiết bị của Beidou cảnh báo trước. "Các cảm biến của Beidou gắn trên tàu thuyền của ngư dân cùng với bộ pin có thể tự cung cấp năng lượng trong 5 năm và định vị theo thời gian thực của tàu thuyền ngay cả khi chúng đang ở ngoài khơi", ông Ma Jianhua, giám đốc Trung tâm ứng phó thiên tai thuộc Sở Ngư nghiệp Phúc Kiến cho hay.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất