Nhìn lại những cuộc cách mạng công nghiệp
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất năm 1784 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 năm 1870 sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 năm 1969 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất.
Tỷ phú Bill Gates
Tới ngày nay, một cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 đang được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng thứ 3, đó là cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng này là một loạt công nghệ, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
Ban đầu, những cuộc cách mạng công nghiệp đều xuất phát, khởi thủy từ những phát minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thường là từ những phát minh từ các nhà bác học vật lý.
Sau này, ranh giới các chuyên ngành khoa học bị xóa nhòa, những lằn ranh để phân biệt không còn rõ ràng nữa. Ví dụ như trong các trường đại học bây giờ, người ta đào tạo ra những chuyên gia hoặc là có chuyên ngành hẹp vì kiến thức khoa học hiện đại là bao la sẽ không còn ai có thể “biết tuốt”, hoặc là những chuyên gia ở “giữa lằn ranh ” các môn khoa học như Sinh-Hóa, Toán-Lý, Lý-Sinh, Địa-Vật lý…
Lúc này, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Điều này mang lại những tiến bộ với nhịp điệu phát triển nhanh chóng, quy mô to lớn, kết quả thì kỳ diệu. Mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 và 4, là những minh chứng.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba bắt đầu khoảng 1969, khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và số hoá vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990).
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư bắt đầu vào đầu thế kỉ 21, tiếp sau những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới...
Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người.
Cách mạng công nghiệp đem lại những điều gì? Về nguyên tắc, chúng mang lại những công cụ sản xuất mới, vừa văn minh, an toàn, đỡ vất vả, vừa đạt năng suất cao. Và mang lại những nguồn năng lợi mới, vật liệu mới, cách mạng “xanh” trong nông nghiệp, các tiến bộ trong giao thông vận tải, trong lĩnh vực vũ trụ… Và mang lại những biến đổi xã hội, cả tích cực lẫn tiêu cực. Quá trình cơ giới hoá nông nghiệp góp phần giải phóng nông dân, bổ sung lực lượng lao động cho thành phố.
Hai giai cấp cơ bản của xã hội được hình thành - tư sản công nghiệp và vô sản công nghiệp. Nhiều khu công nghiệp xuất hiện, dân tập trung ra các thành thị ngày một nhiều dẫn tới quá trình đô thị hóa thời cận đại. Nhiều đô thị với dân số trên 1 triệu người dần hình thành. Giai cấp vô sản cũng ngày càng phát triển về số lượng, những cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đã sớm nổ ra.
Năm 1811 - 1812, ở Anh đã nổ ra phong trào đập phá máy móc. Rồi nhiều cuộc bãi công đã nổ ra. Ở Anh, 1836 - 1848 có phong trào Hiến chương. Quyết liệt hơn, ở Pháp, Đức còn nổ ra những cuộc khởi nghĩa. Năm 1831 - 1834 tại Lyon (Pháp) và Sơlêdin (Đức) đã nổ ra những cuộc khởi nghĩa.
2 mặt của cách mạng công nghiệp lần 4
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 (năm 2016) tại Davos (Thụy Sĩ), Klaus Schwab nói, cuộc cách mạng công nghệ lần 4 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc của cuộc cách mạng này đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.
Khi đó, một thế giới chạy bằng robot và máy tính với trí tuệ nhân tạo có thể phát triển tới mức thay thế con người trong việc phán đoán và quản lý các hệ thống phức tạp.
Và nó đem lại những hệ quả tốt xấu 2 mặt. Như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động.
Mặt khác, những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ chỉ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính, cụ thể là các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư.
Câu chuyện công nghệ kết nối của hãng Uber trong lĩnh vực giao thông vận tải chẳng hạn, hàng loạt hãng taxi truyền thống bị tác động mạnh, giảm thu nhập rõ. Ở Pháp, Anh, Mỹ đã từng có phong trào đập phá taxi Uber, các nghiệp đoàn phản đối, chính quyền phải can thiệp.
Ông Andy Haldane - kinh tế trưởng Ngân hàng trung ương Anh cho biết khoảng 80 triệu việc làm tại Mỹ và 15 triệu việc làm tại Anh có nguy cơ bị mất vì tự động hóa và số hóa. Điều này cũng có nghĩa là robot có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Một dự luật của Ủy ban châu Âu đang yêu cầu chủ sở hữu robot nộp thuế hoặc đóng góp cho chế độ an sinh xã hội. Về việc sản xuất robot, Nghị viện châu Âu cho rằng robot cần được đăng ký với Chính phủ và chịu trách nhiệm về những tổn thất mà chúng tạo ra, bao gồm cả tình trạng thất nghiệp.
Nhà sáng lập hãng Microsoft, Bill Gates thì nói: “Người lao động ở Mỹ hiện có thể kiếm được khoảng 50.000 USD một năm và sẽ phải nộp thuế thu nhập. Nếu robot làm việc tương tự, chúng cũng nên nộp thuế như con người”.
Đó là cái lý của Bill Gates. Mà nghe, thì thấy rằng Bill Gates nói cũng có lý.