Trồng rừng đã trở thành nếp
Toàn tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên 485.996 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 417.538 ha, chiếm 86% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do vậy, phát triển kinh tế rừng trong những năm qua trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Bắc Kạn, được chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm sát sao và có sự tham gia tích cực của người dân. Trồng rừng sản xuất đã thành phong trào phát triển rộng lớn trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân chủ động chuyển từ sản xuất nương rẫy trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng.
Các cơ quan chuyên môn tại Bắc Kạn đã triển khai nhiều mô hình canh tác bền vững, hiệu quả; đưa các loài cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, chu kỳ sản xuất ngắn và phù hợp với điều kiện sinh thái vào sản xuất. Công tác trồng rừng trong những năm qua luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Riêng năm 2021, toàn tỉnh trồng rừng được 5.156 ha, đạt 144% kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 102.000ha rừng sản xuất.
Kinh tế rừng trồng đã giúp thay đổi tập quán của người dân từ trước tới nay chỉ biết dựa vào rừng tự nhiên khai thác gỗ, củi phục vụ nhu cầu đời sống. Qua đó, đã thu hút 60% hộ dân trên địa bàn tham gia các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc ở các địa phương vùng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đoàn kết dân tộc, ổn định an ninh và trật tự xã hội.
Thu nhập từ sản xuất lâm nghiệp đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống và tạo nguồn thu từ các dịch vụ môi trường (phí môi trường, giảm khí thải CO2, du lịch sinh thái…).
Ông Hoàng Văn Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết: Cách đây mấy chục năm, vận động bà con trồng rừng còn rất khó khăn. Bây giờ, mỗi ha rừng thu nhập trên 100 triệu đồng nên bà con thực hiện rất tích cực, tỷ lệ trồng rừng luôn vượt ở mức cao. Phát triển rừng đã trở thành nếp, cứ khai thác xong là người dân trồng lại ngay bằng nguồn vốn của chính mình.
Những "bí kíp" giữ rừng
Các giải pháp căn cơ để phát triển rừng đặc dụng như đầu tư, hỗ trợ, giao khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng đặc dụng những năm qua đã được lực lượng chức năng của Bắc Kạn tích cực thực hiện hiệu quả. Song song đó, việc bảo vệ và phát triển rừng cũng được các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020, chỉ tính riêng tại 2 huyện nghèo là Ba Bể và Pác Nặm đã có 18.000 hộ dân được hỗ trợ trồng rừng, 660 hộ nghèo tham gia khoán bảo vệ, chăm sóc rừng.
Hằng năm, hàng chục tỷ đồng được phân bổ về các thôn, bản vùng đệm, vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, các khu bảo tồn thiên nhiên để nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, hàng chục km đường bê tông, giao thông nông thôn được xây dựng mới, các công trình cấp nước sinh hoạt, nhà họp thôn, cầu bắc qua suối được đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui khôn tả cho người dân.
Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để trồng rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn bản được chuyển trực tiếp cho các tổ nhận giao khoán, tạo nguồn thu ổn định cho người dân tuần tra bảo vệ rừng. Qua thực hiện chính sách phát triển rừng đặc dụng, các nguồn kinh phí đều trao trực tiếp cho thôn, bản để xây dựng hạ tầng nông thôn, từ đó người dân vùng đệm, vùng lõi các vườn quốc gia, các khu bảo tồn đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chủ động tố giác, phát giác tội phạm.
Công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng được lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong khu vực thường xuyên tổ chức thực hiện nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, khai thác, phát phá rừng trái pháp luật. Việc tuần tra, kiểm soát rừng được lập thành tổ, nhóm, có chính quyền cấp xã, cấp thôn và người dân tham gia nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Các cộng đồng dân cư chủ động xây dựng quy ước, hương ước quản lý, bảo vệ rừng, thưởng, phạt rõ ràng và thanh toán công khai đối với mỗi thành viên nhận khoán nếu để xảy ra những hành vi xâm hại đến rừng trái pháp luật. Thông qua tuần tra, kiểm soát rừng, nhiều vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp, các vụ cháy rừng đã được phát hiện, xử lý kịp thời, tránh được hậu quả lớn xảy ra.
Để rừng Bắc Kạn thêm xanh, các cấp, ngành chức năng và người dân đã và đang chung tay, đồng lòng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng hằng năm, góp phần đảm bảo an ninh về môi trường, giảm nhẹ thiên tai, điều hòa nguồn nước cho các công trình thủy lợi, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học.
Đồng thời, nỗ lực phát triển lâm nghiệp theo hướng cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, nhân rộng các mô hình sản xuất lâm – nông nghiệp kết hợp có hiệu quả, phù hợp với môi trường sinh thái, tiến tới xây dựng lâm nghiệp Bắc Kạn phát triển hài hòa, bền vững.
Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ
Rừng xanh ở Bắc Kạn đã đóng góp rất lớn trong sự phát triển của đất nước, gìn giữ nguồn nước và làm trong lành không khí cho các cho các tỉnh miền xuôi. Ngoài ra, việc trồng rừng cũng đem lại nguồn lợi cho người dân và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, trồng rừng rất phù hợp với hộ nghèo, chỉ phải trồng năm đầu và mất ít ngày chăm sóc vào năm thứ 2, sau 6 năm là cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng/ha.
Đa phần người dân ở tỉnh Bắc Kạn cứ có đất là trồng rừng, nhiều nơi đã trồng tới chu kỳ rừng thứ ba, thứ tư và có thu nhập cao từ trồng rừng. Điển hình như ở huyện Chợ Mới, số hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/chu kỳ (thường là 7 - 8 năm) nhiều không đếm xuể, còn các gia đình nông thôn có thu nhập tiền tỷ từ rừng không còn là chuyện hiếm.
Sản xuất lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tổng sản lượng khai thác gỗ mỗi năm của Bắc Kạn khoảng 260.000m3, giá bán bình quân 800.000 đồng/m3 trở lên. Như vậy, tổng giá trị thu được từ khai thác lâm sản đạt hơn 200 tỷ đồng/năm. Sản phẩm gỗ rừng trồng được chế biến để xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu ván ép, ván thanh năm 2021 lên tới hơn 900 tỷ đồng.
Bắc Kạn có nhiều nhà máy chế biến gỗ, trải dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ tại các huyện, thành phố, tập trung nhiều nhất là huyện Chợ Mới, nơi có Khu Công nghiệp Thanh Bình, với nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất sản phẩm gỗ công nghệ cao để xuất khẩu. Điều này rất tiện lợi cho người dân bán gỗ rừng trồng với giá cao nhất, doanh nghiệp có đủ nguyên liệu để chế biến sâu.