| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ trong 'cơn khát' nguyên liệu

Chọn rừng non ăn xổi hay rừng già giá cao?

Thứ Ba 30/08/2022 , 06:35 (GMT+7)

Giá nguyên liệu gỗ tăng cao khiến nhiều số hộ dân ở Tuyên Quang ồ ạt bán rừng, tuy nhiên việc bán rừng non không phải là giải pháp tối ưu nhất.

Bán rừng non, giá cao nhưng vẫn thiệt

Những ngày gần đây tại Tuyên Quang, giá thu mua gỗ dăm lên tới 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay, bởi cách đây vài tháng, mức giá thu mua chỉ đạt từ 700 đến 800 nghìn đồng/tấn. Việc giá gỗ dăm tăng cao khiến không ít hộ dân ồ ạt bán rừng non.

Tại thôn Đèo Tượng, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, đã xuất hiện một số gia đình bán gỗ rừng mới đạt từ 5 đến 6 năm tuổi. Như hộ gia đình bà Ngô Thị Mơ bán tới 16ha với giá 900 triệu đồng; gia đình ông Vũ Văn Mạnh bán hơn 3,9ha, thu được gần 600 triệu đồng; gia đình ông Phạm Văn Khánh bán 1ha với giá khoảng 100 triệu đồng…

z3673437773717_79535d85f5a1ec35d6943dbf0bd1d57d

Việc phát triển rừng gỗ lớn vẫn là mục tiêu chính mà tỉnh Tuyên Quang đang hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Các hộ bán rừng non đều nhận thức được rằng, việc trồng rừng gỗ lớn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn trồng rừng thông thường, thế nhưng mô hình này chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện hoặc có công việc khác có thể đảm bảo nguồn thu ổn định duy trì cuộc sống. Còn nếu là các hộ sống dựa vào nghề rừng thì gặp khó khăn, bởi vậy khi thấy gỗ dăm được giá, lại có người thu mua nên họ phải bán.

Việc bán rừng ở tuổi đời còn thấp không chỉ diễn ra tại xã Tiến Bộ, mà nhiều địa phương tại các huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương cũng xảy ra tình trạng tương tự. Xã Cấp Tiến (huyện Sơn Dương) có hơn 900ha rừng sản xuất, trong đó hơn 800ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho biết, khoảng 2 tháng nay, giá thu mua gỗ nguyên liệu dăm băm tăng đột biến khiến một số hộ dân bán rừng non. Điều này khiến chính người có rừng trồng để bán sẽ bị thiệt, bởi gỗ giai đoạn này còn non và đang giai đoạn phát triển tốt nhất về sinh khối.

Tuy nhiên, việc bán rừng non này không diễn ra ồ ạt tại các hộ và các thôn mà chỉ diễn ra tại các hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống hoặc diện tích rừng xấu. Với những hộ có điều kiện, phần lớn họ đều nhận thức được giá trị của việc duy trì cây rừng lâu năm để thành rừng gỗ lớn sẽ nâng cao được giá trị và chất lượng gỗ.

z3673437768974_0d0265d1655fccd5ff28fb0733cd8c69

Giá gỗ dăm tăng cao khiến nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã bán rừng non. Ảnh: Đào Thanh.

Các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu phân tích, việc bán rừng mới chỉ ở độ từ 4 đến 5 tuổi không khác gì việc "ăn xổi" và dù giá gỗ nguyên liệu đang rất cao, nhưng thực ra lợi nhuận vẫn không cao. Bởi 1ha rừng từ 4 đến 5 tuổi chủ yếu bán dăm gỗ, còn thân thì có rất ít giá trị bởi đường vanh còn nhỏ, cộng với đó vì rừng còn ít năm tuổi nên gỗ chưa đạt độ chắc nên không có nhiều giá trị để làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm khác.

Bởi vậy, 1ha rừng từ 5 đến 6 năm tuổi chỉ bán được khoảng 70 đến 80 triệu đồng, trong khi đó 1ha rừng từ 9 năm tuổi trở lên cho thu lãi hơn 200 triệu đồng từ tiền bán gỗ làm nguyên liệu chế biến đồ gỗ, ngoài ra thân, cành nhỏ tận thu làm dăm băm.

Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc hành chính nhân sự Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa cho biết, hiện nay nguồn nguyên liệu chủ yếu được công ty thu mua là mua dăm. Công ty vẫn giữ nguyên giá là 2,5 triệu/tấn với độ khô 100, với những nguyên liệu vừa chặt xuống có độ khô 50 thì giá thu mua bằng 1/2 mức giá trên. Công ty luôn bám sát giá của thị trường, đảm bảo người dân không bị bất lợi và vẫn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của đơn vị. 

Việc giá thu mua gỗ dăm tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty, tuy nhiên chưa tác động quá lớn. Hiện nay giá nguyên liệu dăm chỉ chiếm khoảng 40% trong đơn giá của bột, còn lại là những nguyên liệu khác.

Không nên bán rừng non

Gia đình ông Vũ Văn Hòe, thôn Đèo Tượng, xã Tiến Bộ (huyện Yên Sơn) sống và làm giàu từ nghề rừng từ hơn 20 năm nay. Đã trả qua 3 chu kỳ rừng cho thu hoạch nên ông có đủ kinh nghiệm để nhận biết rừng càng già, càng có khối lượng lớn thì giá trị kinh tế càng cao. Bởi vậy, ông Hòe là một trong những hộ đầu tiên đăng ký cấp chứng chỉ FSC cho rừng của gia đình mình.

z3673437772691_a8e53e5f9c65cb35747ae979426b0c7a

Việc bán rừng non sẽ thiệt thòi cho chính người dân và gây hậu quả rất tồi tệ cho ngành gỗ. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hòe cho biết, đợt rừng giá cao vừa rồi, gia đình ông cũng bán được 2ha rừng gỗ lớn, thu lãi hơn 400 triệu đồng. Đây là khoản thu lớn sau thời gian kéo dài gỗ nguyên liệu giá thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngay sau khi thu hoạch xong diện tích này, ông Hòe đã tiến hành xử lý thực bì để chuẩn bị cho đợt trồng rừng mới.

Hiện nay, gia đình ông Hòe còn 10ha rừng được 5 năm tuổi. Diện tích rừng này cũng có thương lái đến hỏi mua làm gỗ dăm với giá thu mua khá cao nhưng ông không bán. Bởi ông biết rằng, đây là giai đoạn rừng sinh trưởng và phát triển tốt nhất, chỉ chăm sóc thêm 3 năm nữa giá trị rừng sẽ tăng gấp đôi mà có thể xuất tới những thị trường khó tính nhất như châu Âu.

Cũng giống như ông Hòe, nhiều hộ dân làm rừng được cấp chứng chỉ FSC ở xã Tiến Bộ đều đồng thuận không bán rừng non, bởi như thế chỉ có lợi nhuận trước mắt mà mất đi cái lâu dài. Nhất là vấn đề ổn định vùng nguyên liệu cho các công ty sản xuất đồ gỗ lớn cũng như việc cam kết làm rừng có chứng chỉ FSC, rừng gỗ lớn của địa phương và HTX Tiến Huy.

Việc bà con đua nhau bán rừng non khi giá gỗ dăm lên cao sẽ khiến các nhà máy chế biến gỗ thiếu nguyên liệu gỗ lớn để sản xuất đồ gỗ. Hiện các doanh nghiệp lớn chế biến gỗ đang rất đau đầu về vấn đề này. Trước đây làm gỗ bóc, hay gỗ thịt thì các sản phẩm gỗ thường lọc kỹ, phần dăm gỗ để lại ít, thế nhưng do giá tăng cao nên các hộ dân không lọc kỹ khiến nguồn nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến gỗ cũng sẽ bị thu hẹp.

z3673437778665_5f8f207022c4efadb13359dcd1d6a0ea

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 69.000ha rừng gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Toán.

Theo ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn Woodsland, thời gian gần đây, thị trường ngành gỗ đang có nhiều thay đổi. Nhu cầu ván ép đang hạ thấp do chưa xuất sang được thị trường Hoa Kỳ. Trong khi đó, giá dăm gỗ tăng cao do xuất sang thị trường Nhật, Trung Quốc thuận lợi, do vậy những doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với nguyên liệu dăm gỗ sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Nhất là những đơn vị làm viên nén, năng lượng, nguyên liệu làm MDF…

Ông Bằng cảnh báo, việc người dân ồ ạt dân khai thác rừng non khi giá dăm gỗ tăng cao sẽ gây hậu quả rất xấu cho tương lai của ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ. Bởi vậy nếu không kiểm soát tốt thì khoảng 3 đến 5 năm nữa, vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ cho chế biến có thể bị khan hiếm. Bởi gỗ keo để xẻ được thì ít nhất phải 7 năm tuổi mới có nhiều giá trị với chế biến gỗ, như thế sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều bên. Một vấn đề nữa là ngành chế biến gỗ sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn về công ăn việc làm và giá trị xuất khẩu cao hơn nhiều so với làm nguyên liệu dăm.

Hiện tổng diện tích rừng của tỉnh Tuyên Quang là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững. Toàn tỉnh sẽ có trên 30% diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân đạt 1,1 triệu m3 gỗ/năm...

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000ha.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.