| Hotline: 0983.970.780

Cầu nối liên kết, đưa nông dân vùng cao ra biển lớn

Thứ Năm 03/03/2022 , 08:35 (GMT+7)

BẮC KẠN Là tỉnh miền núi khó khăn trong sản xuất hàng hóa, khuyến nông Bắc Kạn đã tiên phong mở đường cho hàng loạt các mô hình liên kết sản xuất giá trị cao.

Đưa sản xuất hàng hóa về với dân bản

Là tỉnh miền núi rất khó khăn trong việc tổ chức sản xuất hàng hóa, tuy nhiên từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn (khuyến nông Bắc Kạn) đã nỗ lực phối hợp với UBND xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn thành lập được 2 nhóm tổ hợp tác với 24 hộ trồng cây lạc theo chuỗi liên kết trồng lạc vụ thu đông.

Xe của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Phùng.

Xe của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Phùng.

Bài liên quan

Đơn vị ký kết việc cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm). Sau 3 tháng triển khai thực hiện (từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020), năng suất lạc trung bình đạt khoảng 20 tạ/ha, giá bán tại thời điểm thu mua là 28.000 đ/kg, cao hơn giá ký kết trong hợp đồng bao tiêu 2.000 đ/kg. Tổng thu từ cây lạc trung bình khoảng 56 triệu đồng/ha, lãi thuần sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng/ha.

Năm 2021, chuỗi liên kết trồng lạc được thí điểm tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, năng suất trung bình đạt 22 tạ/ha. Giá thu mua sản phẩm lạc khô là 28.000 đ/kg, tổng thu tương đương với 61 triệu đồng/ha.

Bài liên quan

Lạc được đánh giá là cây có khả năng cải tạo đất rất tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa và trồng ngô từ 1,5 - 2 lần. Từ thành công đó, trong năm 2022, nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Kạn đã liên hệ với khuyến nông Bắc Kạn để thực hiện theo chuỗi liên kết.

Trong 2 năm vừa qua, khuyến nông Bắc Kạn cũng đã liên kết 16 tổ hợp tác tại 2 huyện Ba Bể và Na Rỳ với Công ty GVA, đơn vị cung ứng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để trồng giống khoai tây Actrice. Năng suất trung bình từ 12-15 tấn/ha, tỷ lệ củ loại 1 chiếm khoảng 60%, giá thu mua củ loại 1 là 7.000 đ/kg, củ loại 2 là 4.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi từ 25 - 35 triệu đồng/ha chỉ sau 3 tháng trồng.

Giống ngô ngọt được trồng đại trà tại các huyện Ngân Sơn, Na Rỳ và Pác Nặm. Ảnh: Ngọc Phùng.

Giống ngô ngọt được trồng đại trà tại các huyện Ngân Sơn, Na Rỳ và Pác Nặm. Ảnh: Ngọc Phùng.

Bài liên quan

Một cây trồng khác, đó là giống ngô ngọt đã trở thành loại cây chủ lục được trồng đại trà tại các huyện Ngân Sơn (các xã Thuần Mang, Bằng Vân, Hiệp Lực), huyện Na Rỳ (các xã Trần Phú, Quang Phong, Cư Lễ) và huyện Pác Nặm.

Năm 2021, từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và nguồn phối hợp giữa các đơn vị, khuyến nông Bắc Kạn đã thực hiện được 16 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Điển hình như mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình, dự án về giống lúa mới, cây dược liệu có liên kết bao tiêu sản phẩm đã mở ra hướng đi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, được bà con và chính quyền địa phương đánh giá tốt và mong muốn mở rộng.

Với cây dược liệu, khuyến nông Bắc Kạn đã triển khai một thành công một số mô hình như trồng cây khôi nhung tía; Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây dược liệu (cây cát sâm) gắn với tiêu thụ sản phẩm ở một số tỉnh phía Bắc” giai đoạn 2019 - 2021...

Tìm lối mở mới cho nông dân

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua, khuyến nông Bắc Kạn đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn địa phương quy mô nông hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường, có sử dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng thực hiện tại các xã Trần Phú, Lương Thượng (huyện Na Rì).

Mô hình nuôi bò 3B của HTX Hùng Mạnh, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mô hình nuôi bò 3B của HTX Hùng Mạnh, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Qua đánh giá kết quả thực hiện cho thấy, máy chế biến thức ăn chăn nuôi đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (ngô, thóc, thức ăn thô xanh), giúp làm giảm giá thành đầu sản xuất, nâng cao năng suất, tăng giá trị nông sản từ việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp...

Ngoài ra, các mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh theo hướng an toàn sinh học; nuôi cá trong lồng bè; chăn nuôi vịt bầu cổ xanh đều đạt kết quả tốt, sản lượng, giá trị tăng cao hơn so với trước. Hiện mô hình chăn nuôi vịt bầu cổ xanh sinh sản hàng tháng xuất bán trên 1.500 con vịt giống, đảm bảo chất lượng cung cấp cho người dân trên địa bàn. Để phát triển bền vững, khuyến nông Bắc Kạn đã phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NHONHO thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn.

Trong số những mô hình chăn nuôi, nổi bật là mô hình chăn nuôi của HTX Hùng Mạnh (huyện Bạch Thông). Hiện nay đơn vị này có hơn 80 con bò 3b và các vật nuôi khác như dê, gà, vịt. Để phục vụ chăn nuôi, HTX đã trồng khoảng 3ha cỏ, 6.000m2 ngô sinh khối và nuôi giun quế. Tổng giá trị đầu tư lên đến 5 tỷ đồng, phần lớn vốn vây từ ngân hàng.

Những mô hình khuyến nông giúp người nông dân thay đổi tư duy chăn thả gia súc, chuyển sang trồng cỏ nuôi nhốt có giá trị cao hơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những mô hình khuyến nông giúp người nông dân thay đổi tư duy chăn thả gia súc, chuyển sang trồng cỏ nuôi nhốt có giá trị cao hơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chị Lành Thị Như, Giám đốc HTX Hùng Mạnh cho biết: Trước đây HTX làm các lĩnh vực khác, nhưng thất bại. Trong đó chăn nuôi lợn lợn là thiệt hại năng nề nhất do bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi được khuyến nông Bắc Kạn đưa đi tham quan các mô hình sản xuất, HTX sau đó đã quyết định chuyển hướng sang nuôi bò để tận dụng nguồn đất đai dồi dào tại địa phương.

"Khuyến nông Bắc Kạn đã giúp đỡ chúng tôi lập phương án, hướng dẫn các thủ tục đầu tư, kỹ thuật làm chuồng trại chăn nuôi nên HTX mới dám mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi. Kết quả, việc chăn đến nay được đánh giá thành công, mỗi con bò tăng trọng lượng từ 40 – 50 kg/tháng. Các loại vật nuôi khác đã giúp HTX có nguồn thu đảm bảo, một phần kinh phí dành cho việc chi trả công nhân chăn nuôi và trổng cỏ và thoát giai đoạn khó khăn trước đây để lại", chị Như chia sẻ.

Kéo doanh nghiệp về địa phương

Theo ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn: Những năm trước đây, do Bắc Kạn là tỉnh vùng sâu, vùng xa, ít có doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn nên người dân vẫn canh tác theo kiểu tự cung, tự cấp và hạn chế về đầu ra. Vì vậy để xây dựng nông nghiệp theo chuỗi sản xuất, cần phải có doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Mô hình nuôi trâu sinh sản do khuyến nông Bắc Kạn chuyển giao tại huyện Bạch Thông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mô hình nuôi trâu sinh sản do khuyến nông Bắc Kạn chuyển giao tại huyện Bạch Thông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, năng suất, thu nhập của bà con hiện đã cao hơn, bình quân đạt 50 triệu/ha cho vụ cây trồng từ 75 – 90 ngày. Nhờ hình thành chuỗi liên kết vùng sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân nên không xảy ra hiện tượng được mùa mất giá, từ đó tạo niềm tin cho nông dân yên tâm sản xuất. Việc chăn nuôi cũng có hiệu quả cao hơn nhiều lần so với cách làm truyền thống, những trang trại có giá trị tiền tỷ xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, khuyến nông Bắc Kạn đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp lớn ở nhiều nơi trong cả nước để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và những đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn. Đơn vị trở thành cầu nối cho các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dưng dựng vùng nguyên liệu, phù hợp với thế mạnh ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, bà Đỗ Thị Minh Hoa khẳng định, Bắc Kạn xác định mục tiêu phát triển bền vững, lấy nông, lâm nghiệp làm trọng tâm, trên cơ sở đó xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch và giải pháp cụ thể, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Kết hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện gắn kết chương trình OCOP và coi đây là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Trong định hướng đó, Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn đã thực sự đóng góp nổi bật với vai trò là đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật và kết nối bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân, các HTX, tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm nông sản theo chuỗi liên giá trị.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.