| Hotline: 0983.970.780

Rừng Nhà nước vào tay ai?

Thứ Ba 13/07/2010 , 09:44 (GMT+7)

Ngoài việc nhân dân trồng mới, tại Cty Lâm nghiệp Anh Sơn còn có hàng ngàn ha rừng cũng đã được giao hoặc liên kết với các thành phần kinh tế khác để khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Rừng mỡ (vàng tâm) giống gốc tại đội 1, Cty Lâm nghiệp Anh Sơn

Ngoài việc nhân dân trồng mới, tại Cty Lâm nghiệp Anh Sơn còn có hàng ngàn ha rừng cũng đã được giao hoặc liên kết với các thành phần kinh tế khác để khoanh nuôi bảo vệ rừng.

>> Nghệ An: Rừng hay cao su?

Đây là những vùng rừng giàu, trữ lượng gỗ lớn. Tài nguyên vô cùng đa dạng; có những khu rừng mỡ (vàng tâm – gỗ quý nhóm IV) hàng chục năm tuổi đã được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đầu tư giữ làm giống gốc. Tiếc thay, tất cả đều quy hoạch vào vùng trồng cao su.

Ông Nguyễn Ngọc Đồng, GĐ Cty TNHH Lý Đồng, DN liên kết với Cty Lâm nghiệp Anh Sơn nhận bảo vệ lâu dài 250 ha rừng, cho biết: DN chúng tôi nhận liên kết bảo vệ rừng từ tháng 1/2008, thời hạn được giao đến 2043. Từ khi được giao rừng, chúng tôi đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để đắp đập bảo vệ môi trường và phòng chống cháy rừng; làm đường, xây dựng nhà ở công nhân trông coi rừng…Đây là vùng rừng giàu, trữ lượng gỗ hàng trăm m3/ha, lại giáp biên giới Việt- Lào, nếu phá rừng trồng cao su, chúng tôi thiệt một, nhà nước, xã hội thiệt ngàn lần khi xét về lợi ích môi trường rừng đầu nguồn này đem lại.

Một khúc mắc khác. Các công ty lâm nghiệp của tỉnh Nghệ An trong đó có Cty Lâm nghiệp Anh Sơn đang thực hiện việc chuyển đổi thành Cty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Thế nhưng đất đai tài sản của DNNN này tỉnh lại thu hồi giao cho một Cty cổ phần là Cty CP Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An (RUBENA). Được biết Cty RUBENA được Sở KH- ĐT Nghệ An cấp phép hoạt động ngày 31/7/2007, vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó vốn của Cty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp cao su Việt Nam chiếm 51% (gọi tắt là Cty VINARUCO, có trụ sở tại 165 Bạch Đằng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Cty VINARUCO chỉ là một công ty liên kết của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Vốn của Cty VINARUCO là 450 tỷ đồng bao gồm 12 cổ đông là tổ chức và trên 500 cổ đông cá nhân. Chính vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An cần cân nhắc khi giao tài sản và phần vốn + đất đai của Nhà nước cho Cty CP Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An, liệu việc bàn giao này có tuân thủ quy trình, thủ tục cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp theo chủ trương của Chính phủ?

Qua những tình tiết trên, chúng tôi thấy tập thể các hộ được giao đất lâm nghiệp lâu dài thuộc Cty Lâm nghiệp Anh Sơn đã có lý khi họ kiến nghị như sau:

1. Chuyển Cty Lâm nghiệp Anh Sơn thành Cty TNHH MTV theo chủ trương của Chính phủ; UBND tỉnh giữ nguyên bìa đỏ đất đai và nên để Cty 100% vốn Nhà nước quản lý.

2. Phải cho trồng thử nghiệm cây cao su tại Anh Sơn trên diện tích chưa giao cho các hộ dân, nếu thử nghiệm không thành công thì để Cty Lâm nghiệp Anh Sơn tiếp tục trồng keo lai, bồ đề, là các loại cây lâm nghiệp có lợi ích kinh tế đã được kiểm chứng.

3. Nếu trồng thử nghiệm cao su cho kết quả tốt, tỉnh giao Cty Lâm nghiệp Anh Sơn ký hợp đồng liên doanh trồng cao su với Cty CP Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An theo hình thức như ở tỉnh Hà Tĩnh và nhiều địa phương đã làm, đó là: Công ty cao su bỏ vốn, kỹ thuật, Cty Lâm nghiệp Anh Sơn, cùng các hộ dân đã nhận rừng góp vốn bằng tiền theo khả năng, quyền sử dụng đất, nhân công, bảo vệ, chăm sóc. Đến khi có sản phẩm thì hưởng theo tỷ lệ mà đôi bên thỏa thuận. Đây là quan hệ kinh tế, tự các DN ký hợp đồng với nhau, tỉnh không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc bàn giao đất tại Cty Lâm nghiệp Anh Sơn

Ngày 16/6/2010, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1027/TTg – ĐMDN về việc sắp xếp, đổi mới công ty nông - lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Nghệ An, do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký, nội dung:

- Đồng ý chuyển các công ty: Nông nghiệp An Ngãi, Nông nghiệp Sông Con, Nông nghiệp Xuân Thành, Nông công nghiệp 3/2, Cây ăn quả Nghệ An, Đầu tư PT chè Nghệ An, Đầu tư SX và XNK cà phê - cao su Nghệ An, Lâm nghiệp Quỳnh Lưu, Lâm nghiệp Tương Dương, Lâm nghiệp Con Cuông, Lâm – Nông nghiệp Sông Hiếu và Lâm nghiệp Đô Lương thành các Cty TNHH MTV do UBND tỉnh Nghệ An làm đại diện chủ sở hữu. UBND tỉnh Nghệ An quyết định việc chuyển đổi này theo đúng quy định hiện hành trước ngày 1/7/2010.

- Giao Bộ NN - PTNT khẩn trương kiểm tra việc bàn giao đất tại các công ty: Rau quả 19/5, Lâm nghiệp Yên Thành và Lâm nghiệp Anh Sơn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2010.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.