| Hotline: 0983.970.780

"Cách mạng" cánh đồng lớn của Hà Tĩnh

Ruộng đồng thẳng cánh cò bay

Thứ Ba 08/06/2021 , 17:09 (GMT+7)

Ngoài vận động nông dân tự phá bờ thửa, một số địa phương ở Hà Tĩnh cho doanh nghiệp thuê đất xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất gạo hàng hóa, tăng giá trị.

Thay đổi tư duy nông dân với quy trình “4 cùng”  

Cánh đồng hàng chục ha ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên áp dụng quy trình '4 cùng': cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng quy trình sản xuất, chăm bón và cùng thời điểm thu hoạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Cánh đồng hàng chục ha ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên áp dụng quy trình "4 cùng": cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng quy trình sản xuất, chăm bón và cùng thời điểm thu hoạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Mặc dù đã thực hiện “cuộc cách mạng” tích tụ ruộng đất từ những năm 2010, song lúc bấy giờ chính quyền và nông dân vẫn quen với cách làm truyền thống là phá bờ thửa trên một cánh đồng và triển khai cắm mốc, phân chia theo sơ đồ rồi điều hành bằng tổ hợp tác. Tuy nhiên, cách làm này gặp phải rào cản trong việc đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Để khắc phục hạn chế trên, khoảng 3 năm lại đây, một số địa phương như xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nguyên cả cánh đồng để làm cánh đồng lớn và thu phí. Một số khác (xã Thuần Thiện, Can Lộc) lại thực hiện chuyển đổi thửa theo hướng người dân tự đổi đất canh tác cho nhau nhằm đảm bảo liền vùng, liền thửa, thuận lợi trong quá trình sản xuất.

Vụ đông xuân vừa qua, cánh đồng lớn diện tích 11 ha sản xuất giống lúa Dự hương 8 ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà trải bát ngát một màu vàng ruộm. Nông dân cho biết, sau khi thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo sự điều hành thống nhất ở tất cả các khâu tổ chức sản xuất, kỹ thuậtcủa hợp tác xã. Từ cánh đồng hàng trăm mảnh ruộng lổn nhổn trước đây, cánh đồng của thôn  Phú Quý giờ đây đã thẳng cánh cò bay. 

Việc phá bờ thửa nhỏ đã tăng diện tích canh tác, tạo điều kiện thuận lợi trong điều tiết thủy lợi, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Việc phá bờ thửa nhỏ đã tăng diện tích canh tác, tạo điều kiện thuận lợi trong điều tiết thủy lợi, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Tâm Phùng.

“Lúa năm nay sạch sâu bệnh, không phải phun thuốc BVTV, năng suất ước đạt gần 3 tạ/sào. Đặc biệt, toàn bộ lúa được doanh nghiệp cam kết thu mua hết nên bà con rất phấn khởi”, ông Nguyễn Đình Tường, trưởng thôn Phú Quý, xã Thạch Liên phấn khởi.

Khi được hỏi về quá trình vận động người dân tích tụ ruộng đất, ông Tường chia sẻ, lúc đầu triển khai, nhiều hộ dân cho rằng, phá bờ thửa sẽ khó chăm sóc hơn, việc bón phân không giữ lại được ở thửa ruộng của mình… Tuy hiên, sau khi tham quan, học tập mô hình ở xã Thạch Xuân, người dân đã đồng thuận thực hiện theo sự điều hành của xã, thôn.

Hiện số thửa của thôn Phú Quý đã giảm 50% so với trước, góp phần khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún; gia tăng thêm diện tích sản xuất và giảm thiểu ngày công chăm sóc, làm cỏ bờ.  

Việc phá bờ thửa nhỏ còn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương áp dụng triệt để “4 cùng” trên cánh đồng lớn, bao gồm: Cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng quy trình sản xuất, chăm bón và cùng thời điểm thu hoạch; bởi vậy năng suất tăng lên từ 15 - 25%. Đây còn là điều kiện thuận lợi để ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất quy mô lớn để thực hiện liên kết với doanh nghiệp.

Những cánh đồng lớn, liền thửa, liền vùng ngày càng nở rộ ở Hà Tĩnh. Ảnh: VK.

Những cánh đồng lớn, liền thửa, liền vùng ngày càng nở rộ ở Hà Tĩnh. Ảnh: VK.

Gia đình ông Đặng Quốc Vân, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên từ chỗ trước đây có tới 14 mảnh ruộng, sau khi phá bờ thửa nhỏ, hiện gia đình chỉ còn lại 4 thửa. “Việc phá bờ thửa đã làm tăng thêm diện tích sản xuất khoảng 150 m2 (bình quân 15 m2/sào). Đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi trong việc cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch cho gia đình, giảm được 30% chi phí xăng dầu, thời gian so với trước đây. Phá bờ thửa nhỏ cũng triệt tiêu nơi ẩn nấp, lưu trú cho các đối tượng gây hại như chuột, sâu bệnh. Tính chung, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 250 ngàn đồng/sào so với khi sản xuất ở nhiều thửa”, ông Vân chia sẻ.

Được biết, sau khi phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn, xã Cẩm Thành cũng đã thành lập HTX Tiểu thủ công nghiệp và Dịch vụ thương mại Cẩm Thành để xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho nông dân.

Tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 25%

Song song với việc tích tụ ruộng đất theo phương pháp truyền thống, lần đầu tiên ỏ Thạch Hà, một HTX đã thuê được đất của các hộ dân theo hướng “dồn điền đổi chủ” để làm cánh đồng lớn. Theo đó, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà thuê gần 28 ha đất của 154 hộ dân tại 2 thôn Đông Tiến và Lộc Ân trong 5 năm để xây dựng cánh đồng lớn.

Anh Trần Hậu Nhân, Giám đốc HTX cho biết, vụ hè thu năm 2020 là vụ thu hoạch đầu tiên trên cánh đồng lớn do HTX thuê đất. Với giống nếp chất lượng cao N98, năng suất đạt 6 tấn/ha, so sánh với thời kỳ trước khi HTX chưa thuê đất thì năng suất cao hơn 1 tấn/ha.

Ngoài ra, sau khi phá bỏ bờ thửa, thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên chi phí sản xuất giảm 1 triệu đồng/ha. Tính chung cả cánh đồng mẫu gần 28 ha, HTX tăng hiệu quả sản xuất lên khoảng 180 triệu đồng so với khi người dân còn đứng ra tự sản xuất manh mún.

Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất lúa, huyện Thạch Hà cũng đã kêu gọi được một số doanh nghiệp vào liên kết thu mua, tiêu thụ nông sản cho người dân. Riêng 2 năm trở lại đây, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh thu mua lúa chất lượng cao cho người dân với giá cao hơn so với thị trường từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tấn lúa tươi.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc công ty KC Hà Tĩnh cho rằng, hình thành cánh đồng mẫu lớn là điều kiện đầu tiên để doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.

Hình thành cánh đồng lớn cũng là một trong những yếu tố tiên quyết giúp các địa phương kêu gọi, liên kết sản xuất bền vững với doanh nghiệp. Ảnh: Tâm Phùng.

Hình thành cánh đồng lớn cũng là một trong những yếu tố tiên quyết giúp các địa phương kêu gọi, liên kết sản xuất bền vững với doanh nghiệp. Ảnh: Tâm Phùng.

Thời gian qua, ngoài việc thu mua gạo chất lượng cao, công ty cũng tham gia liên kết sản xuất mô hình 100 ha lúa hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh. Sắp tới, Công ty KC Hà Tĩnh sẽ tiếp tục mở rộng mô hình liên kết với bà con nông dân ở một số huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định: Phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn làm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất, tăng diện tích canh tác. Trên các cánh đồng lớn, việc cơ giới hóa, điều tiết thủy lợi, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh cũng thuận lợi hơn.

Cánh đồng lớn “một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác” cũng tạo sản phẩm hàng hóa đồng nhất, số lượng đủ lớn phục vụ cho doanh nghiệp liên kết, từ đó giúp địa phương thuận lợi hơn trong thu hút doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất.

Theo ông Thanh, 2020 là năm Hà Tĩnh triển khai mạnh mẽ nhất “cuộc cách mạng” phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn. Toàn tỉnh triển khai với tổng diện tích 2.262 ha ở 4 huyện: Cẩm Xuyên (752 ha), Thạch Hà (350 ha), Kỳ Anh (230 ha), Can Lộc (930 ha). Các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, nhân dân, đồng thời tổ chức ra quân rầm rộ, tạo khí thế sôi nổi trên đồng ruộng.

“Qua đánh giá bước đầu, hiệu quả kinh tế sau khi triển khai phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn tăng từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha; tương đương từ 15 - 25% so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ”, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.