Danh mục 32 SGK được Bộ GD-ĐT công bố. |
Các môn học này nằm trong Danh mục 32 SGK được Bộ GD-ĐT công bố mới đây. Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia cho rằng Hội đồng thẩm định SGK còn cứng nhắc khi vận dụng quy định pháp luật dẫn tới việc SGK vẫn là “đồng phục”.
Không còn độc quyền (!)
Cụ thể, tác giả Bùi Mạnh Hùng vừa làm Tổng chủ biên vừa chủ biên 2 cuốn sách Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; tác giả Đỗ Việt Hùng làm Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; tác giả Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. HCM; 5 đầu sách Toán 1 do các tác giả Hà Huy Khoái, Trần Nam Dũng, Đinh Thế Lục, Trần Diên Hiển, Đỗ Đức Thái là Tổng chủ biên/chủ biên…
Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận SGK từ ba đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM. Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá mức “Đạt”; có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục “Không đạt”.
Đánh giá chung về chất lượng SGK đã được thẩm định, đại diện Bộ GD-ĐT, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: “Nhiều bản mẫu sách giáo khoa được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, SGK vẫn đảm bảo phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam. Đó là đảm bảo tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Trả lời câu hỏi của PV về ý kiến của dư luận liên quan đến vấn đề độc quyền in SGK, Bộ GD-ĐT cho rằng, trước đây chỉ có 1 bộ sách mới là độc quyền, còn hiện nay đã có nhiều bộ sách thì không thể gọi là độc quyền!
Phải theo “luật chơi”
Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí cũng nêu câu hỏi: Ba cuốn SGK Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên bị loại từ vòng 1 dẫn tới việc sẽ đổ bể chương trình Công nghệ giáo dục đang triển khai rộng tại 48 tỉnh, thành.
Bộ GD - ĐT cần công khai ý kiến thẩm định SGK mới và SGK hiện hành. |
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải rà soát lại việc thẩm định nói chung và đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” nói riêng; tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
Bộ GD- ĐT cho biết đã từng đối thoại với các tác giả hai lần. Tới đây nếu các tác giả yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức đối thoại thì Bộ GD-ĐT sẽ sẵn sàng đối thoại.
Chia sẻ với PV về nội dung này, GS.TS Phạm Hồng Tung (ĐH Quốc gia Hà Nội) – Tổng chủ biên chương trình môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Tiểu học và môn Lịch sử ở THPT nêu ý kiến: "Chuyện thẩm định SGK thì đã có thông tư của Bộ GD-ĐT, tức là "luật chơi" đã công bố công khai. Bộ SGK nào, của bất kỳ ai, thì tiêu chí số 1 là phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình môn học mới, đã được ban hành. Còn nếu không phù hợp, thì dù hay đến đâu cũng bị loại. Vì bây giờ, chỉ có chương trình mới là văn bản pháp quy, định chuẩn, chứ không phải SGK như trước nữa”.
Theo GS Phạm Hồng Tung, sách của GS Hồ Ngọc Đại dù hay, nhưng không phù hợp thì phải bị loại. Tổng chủ biên chương trình môn Lịch sử và Địa lý cũng thẳng thắn chia sẻ thông tin, nhiều sách của Mỹ, của Pháp, của Đức, ... còn hay hơn sách của GS Hồ Ngọc Đại.
“Chả lẽ họ kiện hết à? GS Hồ Ngọc Đại đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi như tất cả người khác. Thế thì mai mốt học sinh cả nước, chúng bị thi trượt thì đều kiện lên Thủ tướng cả à?", GS Phạm Hồng Tung nêu câu hỏi.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đề xuất Bộ GD-ĐT so sánh giá SGK mới so với giá SGK hiện hành ra sao và công khai ý kiến hội đồng thẩm định trong việc đánh giá các bản mẫu SGK. Giải pháp ngăn ngừa nảy sinh nhóm lợi ích khi giao cho các địa phương lựa chọn SGK cũng được nêu ra trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Trong số 32 đầu SGK lớp 1 của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này không có 6 cuốn sách tiếng Anh. Lý giải nguyên nhân, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: “Trong chương trình lớp 1 có hai môn tiếng Dân tộc và tiếng Anh là môn tự chọn. Lần phê duyệt và công bố này chỉ gồm các môn học bắt buộc. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ công bố các môn học tự chọn và những bản thảo SGK được thẩm định”. |