| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 14/10/2020 , 17:12 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 17:12 - 14/10/2020

Sách giáo khoa Tiếng Việt xem thường nền tảng lớp 1?

Tại sao không trưng dụng kho tàng cổ tích và thi ca Việt Nam mà lại vay mượn truyện ngụ ngôn nước ngoài để dạy và học Tiếng Việt lớp 1?

Sách giáo khoa tiếng Việt gây nhiều ý kiến tranh cãi. Ảnh: Tuy Hòa.

Sách giáo khoa tiếng Việt gây nhiều ý kiến tranh cãi. Ảnh: Tuy Hòa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa phải rà soát, báo cáo về nội dung dư luận phản ánh, bức xúc liên quan tới sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. Đối tượng được nhắc đến cụ thể là Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM ấn hành.

Tiếng Việt lớp 1 nằm trong bộ sách được giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên, là một trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã phê duyệt để nhà trường lựa chọn và triển khai các hoạt động dạy học theo quy định. Nếu như bốn bộ sách giáo khoa lớp 1 kia bị các giáo viên phản ánh về việc phân chia bài học quá dày kiến thức khiến học sinh khó tiếp thu, thì bộ sách giáo khoa lớp 1 của nhóm Cánh Diều lại bị phản ứng về những ngữ liệu phản cảm, không có tính giáo dục.

Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, có hai điều bất cập mà các bậc phụ huynh lẫn các nhà sư phạm băn khoăn. Thứ nhất, là sử dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương, không thích hợp cho học sinh trên phạm vi toàn quốc. Thứ hai, là đưa vào quá nhiều truyện ngụ ngôn, gây khó khăn cho năng lực đọc và hiểu của học sinh.

Lớp 1 được xem là giai đoạn học vỡ lòng. Nếu bộ sách Tiếng Việt lớp 1 lại mang tính đánh đố giáo viên thì học sinh không thể nào hấp thụ được bài học một cách trọn vẹn. Mặt khác, lớp 1 có yếu tố nền tảng cho cả quá trình trau dồi Tiếng Việt, không thể chấp nhận bất kỳ thể nghiệm nào khiến học sinh e dè hoặc sợ hãi Tiếng Việt.

Đại diện nhóm Cánh Diều biên soạn Tiếng Việt lớp 1 biện giải rằng, những bài tập đọc đều lấy nguồn từ những tác phẩm nổi tiếng của Lev Tolstoy hay La Fontaine, chứ không phải do họ bịa ra. Nghe qua thì có lý, nhưng nghĩ lại thì bất ổn. Bởi lẽ, truyện ngụ ngôn nước ngoài hoàn toàn không phải dạng văn bản để học sinh lớp 1 có thể đọc và hiểu ngay lập tức. Truyện ngụ ngôn có giá trị ở hàm ngôn, chứ không phải hiển ngôn trên mặt chữ. Học sinh lớp 1 cần phải được học dạng văn bản rõ ràng và mạch lạc, dễ nhớ và dễ thuộc. Tại sao không trưng dụng kho tàng cổ tích và thi ca Việt Nam mà lại vay mượn truyện ngụ ngôn nước ngoài để dạy và học Tiếng Việt lớp 1?

Sự bất cập của bộ sách Tiếng Việt lớp 1, không chỉ có trách nhiệm của nhóm Cánh Diều trực tiếp biên soạn, mà còn có vai trò của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, vai trò của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM và cả vai trò của Cục Xuất bản. Bởi lẽ, để đưa Tiếng Việt lớp 1 vào trường học không phải câu chuyện đơn giản mà nhóm Cánh Diều có thể tự tung tự tác.

Trước bức xúc của xã hội về bộ sách Tiếng Việt lớp 1, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bắt đầu thực hiện chương trình giám sát trong tháng 10/2020. Hy vọng những bất cập của bộ sách Tiếng Việt lớp 1 sớm được điều chỉnh và hoàn thiện.