| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 05/11/2020 , 05:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:50 - 05/11/2020

Sách giáo khoa và trẻ em vùng bão lụt

Đã đến lúc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên bày tỏ thiện chí với học sinh miền Trung chịu nhiều khốn khó vì đợt thiên tai vừa qua.

Trong sự thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai ở miền Trung, các đơn vị giáo dục cũng gánh chịu không ít hậu quả nặng nề.

Bên cạnh thiệt hại về cơ sở vật chất, thì một khó khăn đang bủa vây học sinh là sự thiếu thốn sách giáo khoa. Những cuốn tập bị nhấn chìm trong nước lũ, dù được vớt lại và phơi khô, vẫn không thể tiếp tục làm dụng cụ đồng hành trẻ em quay lại trường học.

Rất nhiều nỗ lực của cá nhân và tập thể trên cả nước đang dang tay giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ, nhưng vẫn có quá ít sự quan tâm dành cho trẻ em vùng bão lụt. Đã có lương thực vượt qua cái đói, đã có quần áo phục vụ cái mặc, còn chuyện học hành thì sao? Trẻ em không thể đến lớp, mà không có sách giáo khoa.

Tại kỳ họp thứ 14 của Quốc hội khóa 14 đang diễn ra ở Hà Nội, không ít ý kiến băn khoăn về giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải thích rằng, sở dĩ giá tăng như vậy do bộ sách giáo khoa hiện nay được soạn theo chương trình cải cách, chú trọng giảng dạy theo phân loại phẩm chất, năng lực học sinh. Số lượng trang sách nhiều hơn và chất lượng in tốt hơn nên giá thành cao hơn sách cũ.

Ngoài ra, sách giáo khoa mới được biên soạn theo chủ trương xã hội hóa nên không được trợ cấp chi phí biên soạn như bộ sách cũ, mà chi phí biên soạn được tính vào giá thành bộ sách.

Sách giáo khoa không rẻ đối với thu nhập dân thành thị, thì càng đắt đỏ đối với dân nông thôn liên tục hứng chịu thiên tai. Người miền Trung vừa chắt chiu mua sắm sách giáo khoa cho con em bước vào năm học mới, không ngờ bão lũ đã cuốn đi tất cả.

Trẻ em miền Trung đang thiếu sách giáo khoa để học hành. Nỗi âu lo ấy chắc chắn sẽ được các mạnh thường quân chú ý. Thế nhưng, trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chủ trương giảm giá sách giáo khoa cho những chuyến hàng cứu trợ hướng về miền Trung.

Mỗi năm, doanh thu từ sách giáo khoa luôn mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ. Minh chứng là trong hệ thống xuất bản nước ta, không có doanh nghiệp nào thịnh vượng bằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Vì vậy, đã đến lúc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên bày tỏ thiện chí với học sinh miền Trung chịu nhiều khốn khó vì đợt thiên tai vừa qua.

Không thể bắt những nhà hảo tâm phải mua sách giáo khoa đúng với giá thị trường, để trao tặng trẻ em vùng bão lụt.

Bởi lẽ, nếu chỉ tính riêng chi phí sách giáo khoa cho học sinh cấp 1 ở các tỉnh miền Trung bị thiên tai, thì số tiền đã lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nếu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các công ty phát hành sách cứ ung dung hưởng lợi từ nguồn bổ sung sách giáo khoa sau mỗi mùa thiên tai, thì những bài học “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” không thể đưa vào giảng dạy trong trường học nữa.