| Hotline: 0983.970.780

Sai sót trong sách tiểu sử đồng chí Hoàng Quốc Việt

Thứ Hai 11/07/2016 , 07:56 (GMT+7)

Cuốn sách “Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử” do NXB Chính trị Quốc gia (2016) phát hành mới đây thuộc Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Cách mạng Việt Nam, có nhiều lỗi sai.

16-18-25_hqv-1
Cuốn sách “Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử”

 

Sai tên nhiều nhân vật lịch sử

Đó là tên đồng chí Lương Văn Chi (viết đúng phải là Lương Văn Tri) thành Lương Vũ Chi (trang 148). Đồng chí Lương Văn Tri (1910 - 1941), bí danh Huy Còm, Chỉ huy trưởng đội du kích Bắc Sơn và khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.

Trang 148, trang 149 và trang 158 viết sai tên Đồ Anh và Đồ Em thành Đỗ Anh và Đỗ Em. Đồ Anh là bí danh của đồng chí Bùi San (1914 - 2004), Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ trước năm 1945; Đồ Em là bí danh của đồng chí Trần Quốc Thảo - tên thật là Hồ Xuân Lưu (1914 - 1957), Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ đi dự Hội nghị Trung ương VIII (5/1941), hy sinh năm 1957. Trang 163 viết sai tên Đào Văn Trường thành Đoàn Văn Trường. Đồng chí Đào Văn Trường, sinh năm 1916, hiện sống ở Hà Nội; Chỉ huy trưởng Cứu quốc quân II. Tên của ông Đặng Văn Cáp (1894 - 1984), Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, viết sai thành Đặng Văn Giáp (trang 187).

Tên của ông Phạm Văn Bỉnh (1914 - 1995), Đại biểu Quốc hội khóa I, viết sai thành Phan Văn Bính (trang 174), Phạm Văn Bình (trang 175). Về ông Phạm Văn Bỉnh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã viết trong hồi ký “Con đường theo Bác”, do Đức Vượng ghi; NXB Thanh Niên (1990):

“Trao đổi với anh Trường Chinh và anh Nguyễn Lương Bằng, tôi quyết định chọn các đồng chí sau đây: Đặng Việt Châu, 31 tuổi, người Nam Định, đóng vai đại biểu công thương; Dương Đức Hiền, 25 tuổi, đóng vai đại biểu Đảng Dân chủ; Phạm Văn Bỉnh (tức Trịnh Khiêm), 30 tuổi, người Hải Phòng, đóng vai đại biểu trí thức và thanh niên; Nguyễn Thượng Biểu (tức Hồng), 40 tuổi, người Bắc Ninh, đóng vai đại biểu nông dân” (trang 66).

Trước đó, trong cuốn hồi ký mang tên “Chặng đường nóng bỏng”, Xuân Cang ghi, NXB Lao động (1985), đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng ghi rõ, tên nhân vật là Phạm Văn Bỉnh và nói thêm: “Các đại biểu ngoại giao được Trung ương Mặt trận hẹn đến gặp nhau tại một ấp nhỏ phía Đồ Sơn - Hải Phòng, nhà anh Bỉnh, một công chức giàu có theo cách mạng (trang 262).

Trang 228 viết sai tên các thành viên trong đoàn cán bộ ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi một số nước phục vụ nhiệm vụ đối ngoại, tuyên truyền về Việt Nam và cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Cụ thể, tên đồng chí Lê Đức Chỉnh (1917 - 2013) nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, viết sai thành Lê Đức. Đồng chí Hoàng Nguyên (1924 - 2007), Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, viết sai tên thành Hoàng Ngân. Hoàng Ngân (1921 – 1949) là tên của đồng chí Chủ tịch Phụ nữ Cứu quốc Trung ương.

Nhiều sự kiện chưa chính xác

Theo chúng tôi, cuốn sách “Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử” có nhiều đoạn chưa chính xác về tiểu sử đồng chí Hoàng Quốc Việt. Cụ thể, trang 188 viết: “Nhận được tin báo có dấu hiệu Nhật sẽ đảo chính Pháp, nhạy bén với tình hình, ngay đêm 9 tháng 3 năm 1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã triệu tập Hoàng Quốc Việt về dự”.

Đây là điều chưa chính xác. Bởi vì, chính trong sách này, ở trang 173 đã viết: Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Hạ Bá Cang với tên mới là Hoàng Quốc Việt sang Trung Quốc. Đến trang 177 ghi: “Hai hôm sau, giữa tháng 3 năm 1945, Hoàng Quốc Việt được thông báo Trương Phát Khuê mời đến Bách Sắc”. Còn trang 186 viết rất cụ thể: “Cuối tháng 4 năm 1945, Hoàng Quốc Việt và đoàn lên đường về nước”.

Như vậy, trong thời gian tháng 3 năm 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt đang ở Trung Quốc cho nên không thể có chuyện tham dự Hội nghị mở rộng của Thường vụ Trung ương Đảng. Trong cả 2 cuốn hồi ký của mình là “Chặng đường nóng bỏng” và “Con đường theo Bác”, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng không hề nhắc đến sự kiện này.

Ngoài ra, trang 230 cuốn sách “Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử”, nhóm tác giả còn đưa ra chi tiết: “Tại Răng-gun, đoàn đã tổ chức Phòng thông tin Việt Nam do đồng chí Trần Văn Luân phụ trách và dịch cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” từ tiếng Việt sang tiếng Anh để phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại”. Bởi vì, cuốn sách này, đoàn ngoại giao mang đi là bản tiếng Pháp, chứ không hề có bản tiếng Việt. Trang 250 cuốn hồi ký “Con đường theo Bác”, đồng chí Hoàng Quốc Việt nêu rõ cuốn sách “viết bằng tiếng Pháp”.

Trao đổi về những lỗi sai và chưa chính xác trong tiểu sử đồng chí Hoàng Quốc Việt, GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: “Điều tối kỵ nhất là viết sai lịch sử cá nhân, nhất là những yếu nhân của các tổ chức chính trị và đó lại là nhân vật làm nên lịch sử”.

Theo phân tích của GS.TS Mạch Quang Thắng, những sai sót này có tác hại rất lớn đối với nghiên cứu lịch sử vì đã làm cho người đọc hiểu sai. Khi đã hiểu sai sự kiện và nhân vật lịch sử thì người ta sẽ nghi ngờ các thông tin, làm giảm đi giá trị tin cậy của tài liệu.

“Sự thật là tiêu chuẩn, là thước đo của lịch sử. Thời đại thông tin như thế này mà người ta cẩu thả đến thế”, GS.TS Mạch Quang Thắng nói.

Sai lệch tiểu sử đồng chí Võ Văn Kiệt

Đầu năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang cũng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan nêu ý kiến không đồng tình về một số nội dung trong cuốn sách “Võ Văn Kiệt - Tiểu sử” mới phát hành, vì nhiều chi tiết trong sách được cho là “chế biến, thêm thắt chủ quan, làm sai lệch, sai sót…”.

Theo ông Diệp Hoàng Du - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, rất nhiều chi tiết về tên riêng, chức danh, địa danh trong lịch sử đã được những người biên soạn cuốn “Võ Văn Kiệt - Tiểu sử” tự ý sửa chữa dẫn đến sai lệch.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.