| Hotline: 0983.970.780

Sâm bố chính chết hàng loạt, nông dân 'bó tay' cứu chữa

Thứ Năm 27/07/2023 , 10:08 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Thời gian qua, cây sâm bố chính trồng tại xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) bị chết hàng loạt, hiện vẫn có hướng xử lý phòng trị hiệu quả.

Thời gian gần đây, nhiều diện tích sâm bố chính trồng tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) bỗng dưng bị héo lá, vàng úa và chết khô không rõ nguyên nhân. Đây là diện tích sâm do HTX Quảng Nhâm liên kết với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia (đường Phạm Văn Đồng, TP Huế) đưa vào trồng theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tại địa bàn một số xã như Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Sơn Thủy... (huyện A Lưới).

Bà Hồ Thị Nai cho biết cây sâm bố chính có biểu hiện héo dần, rụng lá, hoa và sau đó thối dần xuống củ. Ảnh: Công Điền.

Bà Hồ Thị Nai cho biết cây sâm bố chính có biểu hiện héo dần, rụng lá, hoa và sau đó thối dần xuống củ. Ảnh: Công Điền.

Bà Hồ Thị Nai, một trong những hộ dân trồng sâm bố chính tại xã Quảng Nhâm có diện tích trồng sâm lớn nhất cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, từ năm 2022, gia đình bà bắt đầu thử nghiệm trồng sâm bố chính trên diện tích đất trước đây trồng chuối già lùn.

Thời điểm đó, cây sâm phát triển tốt, cho củ đạt tiêu chuẩn về mặt chất lượng lẫn kích cỡ nên đầu năm 2023, gia đình bà Nai quyết định mở rộng diện tích trồng sâm lên hơn 1ha, bắt đầu gieo trồng từ tháng 2/2023 và kỳ vọng sau 8 tháng đến 1 năm cây sâm sẽ cho thu hoạch.

Tuy nhiên từ đầu tháng 5/2023, khi cây sâm đang thời điểm ra hoa thì nhiều cây có biểu hiện héo dần, rụng lá, hoa và sau đó thối dần xuống củ. Đặc biệt từ cuối tháng 6/2023 đến nay, cây sâm chết hàng loạt, làm gia đình bà Nai không kịp trở tay.

Cũng theo bà Nai, ngay khi phát hiện sâm có biểu hiện héo úa, chết dần, gia đình đã báo cho đại diện Công ty TNHH SBC Hoàng Gia do bà Hồ Thị Phương làm Giám đốc để cùng đưa ra biện pháp xử lý.

“Công ty cũng đã cử người đưa một số chế phẩm sinh học hướng dẫn chúng tôi phun phòng. Tuy nhiên diện tích sâm bị chết ngày càng tăng thêm và không có dấu hiệu thuyên giảm”, bà Nai cho hay.

Bất lực và tiếc của, bà Nai thuê mướn nhân công để thu hoạch sớm những mong vớt vớt được phần nào công sức, tiền của bỏ ra. Dù tiền bỏ ra thuê nhân công vài trăm ngàn/ngày nhưng những gì gia đình bà thu được chỉ lác đác một vài củ sâm còn lành lặn, còn lại hầu hết đều bị thối mục.

“Cứ 10 củ thì chỉ còn 1 đến 2 củ chưa bị thối, còn lại đều phải bỏ hết”, bà Nai nói trong tiếc nuối.

Trên 70% diện tích cây sâm bố chính do HTX Quảng Nhâm liên kết sản xuất với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã bị chết khi chỉ cách thời điểm thu hoạch vài tháng. Ảnh: Công Điền.

Trên 70% diện tích cây sâm bố chính do HTX Quảng Nhâm liên kết sản xuất với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã bị chết khi chỉ cách thời điểm thu hoạch vài tháng. Ảnh: Công Điền.

Theo ông Nguyễn Hải Teo, Giám đốc HTX Quảng Nhâm (huyện A Lưới), niên vụ trồng sâm 2023, toàn hợp HTX trồng được 2,34ha sâm bố chính. Đây là diện tích của HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia. Tham gia mô hình liên kết này, doanh nghiệp hỗ trợ người trồng sâm về kỹ thuật và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định.

Nếu sâm không bị chết hàng loạt như hiện nay thì mô hình liên kết này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cho bà con xã Quảng Nhâm nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống.

Trước sự việc xảy ra, hiện HTX đã báo cáo với chính quyền xã, huyện và liên hệ với doanh nghiệp để tìm biện pháp xử lý. Sau đó, Công ty cũng đã cử cán bộ đưa chế phẩm sinh học đến xử lý nhưng tình trạng sâm chết vẫn diễn ra.

Ông Teo thông tin thêm, tại cuộc họp gần đây nhất có sự tham gia của Phòng NN-PTNT huyện, UBND xã Quảng Nhâm, đại diện Công ty TNHH SBC Hoàng Gia và HTX Quảng Nhâm, phía doanh nghiệp cho biết thời điểm này diện tích sâm bố chính trồng theo hình thức liên kết trên chưa thể thu mua vì chưa đủ thời gian thu hoạch.

Về hướng xử lý trước mắt, đại diện doanh nghiệp đề nghị người dân thu hoạch những diện tích sâm bị chết để sấy khô, cất trữ tìm hướng tiêu thụ. Đối với diện tích sâm còn sống, phải chờ đến đủ thời gian thu hoạch theo cam kết thì Công ty mới có thể thu mua.

Người dân thuê nhân công về thu hoạch sớm mong vớt vát phần nào chi phí bỏ ra. Ảnh: Công Điền.

Người dân thuê nhân công về thu hoạch sớm mong vớt vát phần nào chi phí bỏ ra. Ảnh: Công Điền.

Tuy nhiên, theo ông Teo thì đến thời điểm này, diện tích sâm bị chết đã chiếm hơn 70% tổng diện tích. “Nếu bà con đợi đến thời điểm thu hoạch sâm như cam kết với Công ty thì e rằng 100% diện tích sâm đều chết hết, thiệt hại của bà con càng tăng thêm, năm sau rất khó để thuyết phục bà con tham gia trồng cây sâm bố chính, ảnh hưởng đến chủ trương chung”, ông Teo thông tin.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới cho biết uqa kiểm tra, nguyên nhân tình trạng cây sâm bố chính trồng ở xã Quảng Nhâm bị chết là do loại cây trồng này mẫn cảm với thời tiết dẫn đến phát sinh các loại nấm hại. Ngoài ra, còn do quy trình làm đất trước khi gieo trồng chưa đúng kỹ thuật.

Theo ông Lập, hiện đơn vị cũng đã mời chuyên gia của một viện nghiên cứu ở Hà Nội vào để tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý. 

"Để hạn chế thiệt hại do tình trạng sâm chết hàng loạt tại xã Quảng Nhâm, chúng tôi đã đề nghị doanh nghiệp cần kịp thời thu mua củ sâm sớm nhất có thể cho người dân. Vì càng để lâu thì diện tích sâm bị chết càng mở rộng, thiệt hại kinh tế cho người dân cũng tăng lên", ông Lập đề nghị. 

Tháng 2/2021, UBND huyện A Lưới giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Quảng Nhâm triển khai mô hình thí điểm trồng cây sâm bố chính trên địa bàn với diện tích 2ha theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH SBC Hoàng Gia. 

Theo quy trình trồng sâm, vụ trồng sâm kéo dài từ 8 tháng đến 1 năm là có thể thu hoạch. Sản phẩm thu hoạch sẽ được Công ty TNHH SBC Hoàng Gia thu mua theo cam kết với người dân.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).