Reuters dẫn lời chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết nắng nóng kéo dài đi kèm mưa bão và ngập lụt khiến sản lượng sản xuất lương thực của Triều Tiên trong năm 2018 giảm 9% so với năm trước đó và xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Sản lượng lương thực sụt giảm đẩy 3,8 triệu người, tức 6,6% dân số vào tình cảnh cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Nền kinh tế Triều Tiên vốn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế. Tại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ ngày 27 và 28/2, Bình Nhưỡng cho biết muốn được gỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh trừng phạt đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế, đổi lại, Triều Tiên sẵn sàng đóng cửa một tổ hợp hạt nhân chính.
Trong đánh giá "Nhu cầu và Ưu tiên" đối với Triều Tiên năm ngoái, Liên Hợp Quốc cho biết chỉ nhận được tài trợ 24% so với kế hoạch. Chuyên gia đồng thời nhận định các lệnh trừng phạt kinh tế là nguyên nhân chính khiến hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ bị đình trệ và nhiều tổ chức cứu trợ buộc phải thu hẹp hoạt động ở Triều Tiên.
Tháng trước, Triều Tiên cho biết đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu 1,4 triệu tấn lương thực trong năm 2019.
Liên Hợp Quốc kêu gọi viện trợ Triều Tiên 120 triệu USD đồng thời cam kết các cơ quan nhân đạo sẽ giám sát các chương trình chặt chẽ nhằm đảm bảo hỗ trợ có thể đến tận tay những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.