| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP hội tụ tại Festival Lúa gạo quốc tế

Thứ Ba 05/12/2023 , 07:18 (GMT+7)

ĐBSCL Các sản phẩm OCOP của các tỉnh thành hội tụ tại Hậu Giang trong kỳ Festival Lúa gạo quốc tế 2023 mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhân sự kiện này, ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang có cuộc chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Thưa ông, sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật nào?

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kiều Trang.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kiều Trang.

Qua sau hơn 12 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả và thành tựu nổi bật. Tỉnh Hậu Giang hiện có 51 xã triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, trên địa bàn 8 huyện, thị, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 40/51 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 78,43), 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Châu Thành A, TP Ngã Bảy và TP Vị Thanh). Các xã còn lại đều đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Số tiêu chí đạt bình quân của toàn tỉnh là 17,8 tiêu chí/xã. Riêng trong năm 2022 tỉnh đã công nhận mới 3 xã NTM, 2 xã NTM nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Có thể thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có nhiều tác động tích cực đến khu vực nông thôn như: diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn được cải thiện và ngày càng nâng cao, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn ngày càng được đổi mới, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên…

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP được công nhận, hầu hết các sản phẩm OCOP đều được quan tâm về chất lượng, mẫu mã. Thưa ông, tỉnh Hậu Giang có những định hướng phát triển và nâng cáo chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn như thế nào?

Tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 12/KH-BCĐ ngày 30/ 9/ 2022 của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. Qua đó, tập trung một số nội dung trọng tâm như:

Phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu 5 sao của Trung ương giao (7 sản phẩm). Tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Khuyến khích các thành phần kinh tế, kinh tế tập thể tham gia thực hiện chương trình. Xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Tập huấn chuyên sâu cho các chủ thể tham gia chương trình. Đẩy mạnh công tác bán hàng qua các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); Xây dựng điểm bán hàng tại các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Thưa ông, theo kế hoạch tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam, hoạt động triển lãm gian hàng OCOP đến nay đã được chuẩn bị như thế nào? Là đơn vị chủ nhà, tỉnh Hậu Giang lựa chọn những sản phẩm OCOP nào tham gia trưng bày và  thông điệp gì để gửi tới bạn bè trong và ngoài nước?

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 không chỉ giới thiệu về sản phẩm mà còn về văn hóa và du lịch của Hậu Giang, những nét độc đáo gắn với miền Tây Sông Hậu. Ảnh: Kiều Trang.

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 không chỉ giới thiệu về sản phẩm mà còn về văn hóa và du lịch của Hậu Giang, những nét độc đáo gắn với miền Tây Sông Hậu. Ảnh: Kiều Trang.

Thực hiện Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 13/10/2023 về việc tổ chức Festival quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng như:

Sự kiện thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.

Thực hiện kế hoạch phát triển bền vững Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội, kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh. Thông qua các chương trình tại Festival, tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, các công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng.

Trong sự kiện này, Văn phòng Điều phối các chương trình MTQG tỉnh Hậu Giang được giao nhiệm vụ, liên hệ, phối hợp với các tỉnh để trưng bày khu triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội và giới thiệu đặc sản, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố với 63 gian hàng của tỉnh và các tỉnh.

Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, các tỉnh tham gia cũng sẵn sàng để trưng bày, công tác lắp ráp gian hàng đang được đơn vị sự kiện tiến hành, dự kiến ngày 5/ 12 sẽ hoàn tất lắp ráp gian hàng, ngày 6/12 sẽ bàn giao cho các đơn vị tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại Festival. Ngày 9/12 các tỉnh sẽ đến Hậu Giang trưng bày sản phẩm và hoàn thành vào ngày 10/12.

Về sản phẩm trưng bày, Hậu Giang chọn những sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh để trưng bày trong sự kiện Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (cá thát lát, khóm, trà mãng cầu, các sản phẩm gạo và chế biến từ gạo...), Qua đó, tỉnh Hậu Giang muốn gửi đến bạn bè trong và ngoài nước thông điệp về:

Sự tự hào về chất lượng cao của lúa gạo Việt Nam, sự đa dạng của các loại gạo và sản phẩm từ lúa gạo Hậu Giang. Những nỗ lực cống hiến của tỉnh Hậu Giang đối sự phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững và có trách nhiệm với môi trường.

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 không chỉ giới thiệu về sản phẩm mà còn về văn hóa và du lịch của Hậu Giang, những nét độc đáo gắn với miền Tây Sông Hậu. Hậu Giang bày tỏ mong muốn mở rộng và củng cố mối quan hệ thương mại quốc tế thông qua hoạt động xuất khẩu lúa gạo và sản phẩm nông sản. Khơi thông tiềm năng và cơ hội đầu tư vào ngành hàng lúa gạo tại Hậu Giang, mời gọi các đối tác quốc tế đến khám phá và hợp tác. Đồng thời đưa ra cam kết về việc bảo vệ môi trường và sử dụng phương pháp sản xuất thân thiện môi trường trong quá trình sản xuất lúa gạo.

Ông kỳ vọng gì về sự hội tụ của các tỉnh khi đem sản phẩm OCOP đến Hậu Giang trong kỳ Festival rất đặc biệt này. Ông có thể chia sẻ những cảm nhận trước thềm Festival? 

Chúng tôi rất mong đợi về sự hội tụ của các tỉnh, mang sản phẩm OCOP đến Hậu Giang trong kỳ Festival rất đặc biệt này. Đây không chỉ là cơ hội để chúng ta trưng bày, quảng bá các sản phẩm độc đáo từ các vùng miền khác nhau, mà còn là dịp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường.

Trước thềm Festival, chúng tôi cảm nhận một sự hứng thú lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây là một cơ hội quý báu để xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác, không chỉ giữa các tỉnh thành mà còn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, đồng thời thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác bền vững trong lĩnh vực OCOP.

Chúng tôi tin rằng sự hội tụ này không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương mà còn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ và mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là niềm vinh dự và trách nhiệm lớn, và chúng tôi sẵn lòng đóng góp và hợp tác chặt chẽ để đạt được những mục tiêu này trong kỳ Festival này và các sự kiện tương lai.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.