| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP ngày càng gần hơn với người tiêu dùng

Thứ Tư 18/08/2021 , 07:39 (GMT+7)

Nhờ bảo đảm chất lượng và thay đổi hình thức, sản phẩm OCOP của Bình Định ngày càng tạo được niềm tin với người tiêu dùng và vươn ra thị trường cả nước.

Tính đến nay, trên địa bàn Bình Định đã có 91 tổ chức kinh tế (chủ thể) tham gia chương trình OCOP; trong đó, có 71 tổ chức kinh tế với 81 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; đặc biệt đã có 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 65 sản phẩm 3 sao.

Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất. Thị trường cũng được rộng mở, nếu trước đây sản phẩm OCOP chủ yếu chỉ tiêu thụ loanh quanh trong huyện, trong xã hoặc bán cho các thương lái thì nay đã có mặt tại thị trường nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Nước mắm Thái An Đề Gi, sản phẩm OCOP hạng 3 sao ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nước mắm Thái An Đề Gi, sản phẩm OCOP hạng 3 sao ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm OCOP của Bình Định đều có chỗ đứng vững chãi trên thị trường, nhất là các sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao như gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước), gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát), cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hải Nguyên và Công ty TNHH Tân Xuân Lộc cùng phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn). Các sản phẩm đạt 4 sao, 3 sao đều là sản phẩm đặc trưng của Bình Định, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, nguồn nguyên liệu của địa phương và đặc biệt là sản xuất an toàn.

Có thể nêu một ví dụ như dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An ở TX Hoài Nhơn. Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An, cho biết: “Để đảm bảo quy chuẩn, chúng tôi đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa sạch, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho 2 sản phẩm dầu dừa và bánh tráng dừa, cả 2 sản phẩm nói trên đều có chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm. Chúng tôi không chỉ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất mà còn liên tục cải tiến mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức ổn định cao nhất nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện mục tiêu của HTX không chỉ mở rộng kênh phân phối thị trường trong nước mà còn hướng đến nước ngoài”.

Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ tất cả các sản phẩm trên thị trường đều yếu đi, nên một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP phải cắt giảm sản lượng. Khó khăn là có thật, nhưng nhiều đơn vị xem đây là cơ hội “nghỉ tay” trong sản xuất, để dành thời gian đầu tư tìm kiếm thị trường, tăng thêm kênh phân phối. Mặt khác, các doanh nghiệp nhân cơ hội này thay đổi mẫu mã, bao bì nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Bánh tráng Sachi, sản phẩm OCOP đạt hàng 4 sao của Công ty TNHH Sachi Nguyễn ở TX Hoài Nhơn, 1 trong những sản phẩm nổi tiếng của Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bánh tráng Sachi, sản phẩm OCOP đạt hàng 4 sao của Công ty TNHH Sachi Nguyễn ở TX Hoài Nhơn, 1 trong những sản phẩm nổi tiếng của Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các loại bánh cốm, bánh gạo lứt của HTX phải cắt giảm sản lượng khoảng 30% so với trước đây. Tuy sản lượng giảm, ắt nhiên là đồng lãi cũng giảm theo, nhưng chúng tôi lại mạnh dạn tăng đầu tư để nâng cao thêm chất lượng và mẫu mã, nhằm đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Co.opmart trong tỉnh và siêu thị Big C. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tích cực tìm nhà phân phối mới, mở rộng thị trường bán lẻ, tiếp cận đến cả các tiệm tạp hóa nhỏ, các cửa hàng đặc sản trên địa bàn toàn tỉnh và tỉnh ngoài. Ngoài ra, HTX còn đầu tư bộ nhận dạng thương hiệu để “mặc định” sản phẩm của mình trong trí nhớ của người tiêu dùng”, bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, Giám đốc HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Phong Nga ở xã Cát Tường (huyện Phù Cát), chia sẻ.

Càng ngày, chủ thể của những sản phẩm OCOP ở Bình Định càng năng động hơn trong xây dựng hệ thống đại lý bán hàng, xây dựng mạng lưới cửa hàng nhượng quyền thương mại để đầu ra của sản phẩm ngày càng rộng mở.

“Khi chúng tôi đưa được sản phẩm chả ram tôm đất của công ty vào hệ thống siêu thị Vinmart, chúng tôi đồng thời kết nối để đưa thêm một số sản phẩm OCOP khác vào theo, như: Bưởi da xanh Hoài Ân, dưa lê Kim Hoàng Hậu, dừa Tam Quan. Trong thời gian qua, chúng tôi triển khai một số chương trình dùng thử sản phẩm ở các hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Với chất lượng được bảo đảm và giá cả hợp lý, chắc chắn các sản phẩm OCOP của Bình Định sẽ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận mạnh mẽ”, bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV nông nghiệp Song Thủy (TP Quy Nhơn), chia sẻ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Phú Xuyên đưa sản phẩm OCOP làng nghề vươn tầm thế giới

Tham gia chương trình OCOP, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội có 231 sản phẩm được xếp hạng, phần lớn là của làng nghề, không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu.