Từ chỗ sản phẩm của HTX chỉ tiêu thụ dạng bao trắng 50 kg trôi nổi trong dân nay đã có mặt tại một số cửa hàng nông sản an toàn ngoài Hà Nội, nhờ đó mà giá bán đã tăng từ 15.000đ/kg lên 22.000đ/kg.
Là một người hàng xáo không cam chịu buôn bán kiểu nhỏ lẻ, manh mún, chị Cao Thị Thủy (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) cho biết đã phát triển quy mô sản xuất của mình thành hàng hóa lớn và đứng lên thành lập HTX năm 2017. Hiện HTX của chị đã được huyện Ứng Hòa giao quản lý, xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng Khu Cháy. Tuy nhiên trong phần lớn lượng hàng 2.000-3.000 tấn gạo tiêu thụ mỗi năm, số có bao bì, nhãn mác vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 100 tấn.
Đó cũng là điều mà chị Thủy còn nhiều trăn trở: “HTX đang liên kết với bà con để sản xuất theo dạng các cánh đồng mẫu lớn. Ước mơ của tôi là hình thành được chuỗi sản xuất khép kín từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, tiêu hụ gạo, muốn hợp tác với 50-70 cửa hàng để có thể ký gửi sản phẩm, muốn mở rộng diện tích áp dụng theo chuẩn VietGAP chứ không chỉ là 50 ha.
Nhiều HTX, nhiều xã gọi liên tục để muốn liên kết bởi dân chỗ họ đang bỏ ruộng hoang, nhiều khách hàng gọi đặt sản phẩm theo chuẩn VietGAP nhưng HTX không thể đáp ứng nổi vì thiếu vốn, khoảng 10 tỉ đồng. Thiếu vốn đến nỗi dù có kho tàng bảo quản, máy móc chế biến đấy nhưng HTX nhiều khi gặt lúa lên đến bờ đã phải xuất bán rồi.
Tôi đã liên hệ với ngân hàng, họ sẵn sàng cho vay nhưng phải có thế chấp mà mảnh đất HTX đang dùng làm nhà xưởng đây, đã đầu tư rất nhiều tiền lại không được làm thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang, rất là buồn…”.
Ứng Hòa là huyện ngoại thành thuần nông và nghèo khó của Hà Nội với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 ước chỉ khoảng 52,4 triệu đồng. Sản xuất mới tập trung vào các sản phẩm thô, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị bền vững.
Hầu hết nông sản chưa được sơ chế, chế biến, bảo quản, không có nhãn mác hàng hóa; giá trị sản phẩm còn thấp, giá bán bấp bênh, chưa có tính cạnh tranh. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, chưa có doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm năng, chưa có sự liên kế chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân và các HTX.
Để khắc phục điều đó, vừa qua, UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM Thành phố mở hội nghị triển khai tổ chức Chương trình OCOP cho cán bộ, chủ thể tham gia chương trình trên địa bàn.
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình, xây dựng kế hoạch triển khai, tổng hợp đăng kí. Kết quả, đến hết năm 2020 huyện có 11 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Cụ thể, gồm gạo chất lượng Khu Cháy của HTX Đoàn Kết, bưởi Diễn HTX VietGap ở Đồng Tiến, chả quế, giò lụa, chả lụa của hộ kinh doanh Lương Tiến Mạnh ở thị trấn Vân Đình, 6 sản phẩm rượu của cơ sở Anh Quỳnh ở xã Tảo Dương Văn.
Năm 2021, Ứng Hòa dự kiến đưa vào 11 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, thảo dược và thủ công mỹ nghệ. Phấn đấu đến hết năm 2025 có từ 100 sản phẩm được thành phố đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên. Hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch huyện.
Khó khăn chung là chủ yếu sản phẩm do nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn nếu có HTX cũng chỉ ở quy mô nhỏ và vừa; Thiếu mặt bằng nhà xưởng, nơi trưng bày sản phẩm và thiếu vốn; Quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu chưa bài bản…Đây chính là điểm nghẽn khiến nhiều sản phẩm của huyện muốn đăng ký tham gia chương trình OCOP, muốn mở rộng ra thị trường nội địa cũng như xuất khẩu nhưng vẫn chưa được.