Những năm qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là điểm nhấn nổi bật gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đã tạo được sức bật quan trọng cho các sản phẩm nông đặc sản của các địa phương tiến lên sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị. Mặc dù vậy, các sản phẩm OCOP phần lớn được sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, việc phát triển, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn…
Đây là đánh giá của nhiều đại biểu tại Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP năm 2020 được tổ chức vừa qua (trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2020 tại Hà Nội từ ngày 3 - 6/12).
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, những năm gần đây, chương trình OCOP được phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo phong phú của người dân.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, đặc biệt là sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Vấn đề đầu ra cho nông sản và sản phẩm OCOP hiện vẫn là bài toán khó của tất cả các doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh việc kết nối các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, bà Vũ Thị Hậu kiến nghị về phía cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần siết chặt công tác quản lý sản phẩm, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của các sản phẩm do doanh nghiệp không sản xuất hoặc sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn cũng như không có tiềm năng phát triển.
100% sản phẩm đều phải dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc để góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu cho sản phẩm, chống hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Về phía các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể các sản phẩm OCOP, cần phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp, cho sản phẩm. Các hợp tác xã, các chủ thể, doanh nghiệp đã lấy chứng nhận sản phẩm OCOP phải đẩy nhanh việc đưa sản phẩm ra thị trường theo nhiều kênh phân phối tùy theo mức độ sản lượng của doanh nghiệp khai thác thị trường tiềm năng cho sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, cần chủ động kết hợp xây dựng kế hoạch quảng bá giới thiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của đơn vị, xác định xúc tiến thương mại là giải pháp rất quan trọng để đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết và có kiến thức trong kinh doanh, marketing để phát triển sản phẩm một cách bền vững. Các đơn vị có sản phẩm OCOP cần xây dựng website riêng để quảng bá cho thương hiệu sản phẩm…
Tại hội nghị, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết đến năm 2019, toàn tỉnh đã có 19 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao của các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được công nhận sản phẩm.
Năm 2020, dự kiến tỉnh sẽ có thêm khoảng 35 mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo các đẳng cấp từ 3 sao đến 4 sao.
Tuy nhiên, nông sản nói chung cũng như các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chưa nhiều, chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, phần lớn mới chỉ dừng ở khâu sản xuất và tiêu thụ trực tiếp, thiếu vắng sự tham gia của khâu chế biến. Các cơ sở chế biến - bảo quản nông sản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều doanh nghiệp có công nghệ chế biến - bảo quản hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước nhập khẩu.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh nông sản trong tỉnh hầu hết chỉ sản xuất và tập kết sản phẩm, thương lái đến tận nơi để mua hàng nên các thông tin về thị trường còn rất yếu…
Đối với chương trình OCOP, Vĩnh Long kiến nghị cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn để hỗ trợ các sản phẩm nâng cao năng suất, chất lượng. Trong đó, cần huy động từ nhiều nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các chương trình của trung ương, từ nguồn vốn khoa học công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia…
Các chủ thể sản phẩm OCOP rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước để giúp cho sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị. Nhất là cần ban hành khung chính sách hỗ trợ cụ thể cho các sản phẩm OCOP đã đạt được phân hạng từ ba sao trở lên.