| Hotline: 0983.970.780

Sẵn sàng các phương án bảo vệ thủy sản mùa mưa bão

Thứ Bảy 27/07/2024 , 17:26 (GMT+7)

ĐBSCL Giảm lượng thức ăn, trữ nước mặn, sử dụng chế phẩm vi sinh, thu hoạch sớm là những giải pháp các hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL đang triển khai để bảo vệ tthành quả.

Trước thời tiết mưa bão, nông dân cắt bớt thức ăn để tránh ô nhiễm môi trường ao nuôi thủy sản. Ảnh: Hồ Thảo. 

Trước thời tiết mưa bão, nông dân cắt bớt thức ăn để tránh ô nhiễm môi trường ao nuôi thủy sản. Ảnh: Hồ Thảo. 

Ông Nguyễn Văn Đấu, người đã gắn bó với nghề nuôi cá da trơn hơn 20 năm ở (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, 2 ao cá tra của gia đình gần đến ngày thu hoạch nhưng mấy ngày nay trời mưa dầm khiến ông lo lắng.

Theo ông, nước mưa khiến nhiệt độ và môi trường nước trong ao thay đổi đột ngột, làm cá dễ bị bệnh, đặc biệt là bệnh gan thận mủ, một căn bệnh khó trị có thể khiến người nuôi mất trắng.

Để đối phó, ông thường xuyên thay nước ao, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, giảm từ 20-30% hoặc cắt bớt thức ăn vào buổi chiều để tránh ô nhiễm môi trường ao và tăng cường bổ sung men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn cá.

Ông Đấu cho biết, đối với khu vực chuẩn bị thả giống, lão nông đang tăng cường cải tạo ao, xử lý mầm bệnh trong nguồn nước và chọn con giống sạch. Tránh thả cá bột xuống ao nuôi khi trời chuẩn bị mưa rào để tránh sốc nhiệt, đồng thời mật độ nuôi cũng là yếu tố quan trọng.

“Mùa này, thời tiết không thuận, mình giảm 50% lượng giống trên cùng diện tích so với vụ trước, để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Mật độ thưa cũng giúp giảm chi phí đầu tư, tuy lời ít nhưng chắc ăn”, ông Đấu tiết lộ.

Còn gia đình ông Cao Văn Bảy ở (xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), năm trước, có nuôi 3 ao tôm với tổng diện tích 1,5ha nhưng tôm bị nhiễm bệnh thân trắng khiến ông lỗ nặng. Năm nay, ông cầm sổ đỏ để cải tạo ao, thả nuôi vụ mới với hy vọng xóa nợ.

Ông Bảy chia sẻ, tuần nay trời mưa liên tục, kèm giông lốc khiến ông không thể chợp mắt vì lo lắng. Nước mưa khiến nồng độ mặn trong ao nuôi giảm nên ông đã chuẩn bị ao trữ nước mặn sẵn để tiếp nước khi mưa dầm. Đề phòng mưa lớn làm tràn ao lão nông cũng chuẩn bị sẵn sàng máy bơm tiêu nước khi cần thiết.

Ông Bảy cho hay, đã chủ động thu hoạch sớm một ao tôm từ tuần trước để hạn chế suy giảm chất lượng và tránh thiệt hại khi có sự cố.

Nông dân đang chủ động thu hoạch tôm để tránh thiệt hại do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân đang chủ động thu hoạch tôm để tránh thiệt hại do mưa lớn kéo dài. Ảnh: Hồ Thảo.

Không chỉ ông Bảy, nhiều hộ nuôi tôm lâu năm tại Trà Vinh cho biết, họ cũng thu hoạch tôm sớm hơn dự kiến để ứng phó với mưa bão.

Một số hộ đã mua bạt trải để bảo vệ bờ ao đầm nuôi tôm, tránh xói lở đất khi mưa lớn. Họ cũng chuẩn bị vôi bột để rải quanh bờ ao nhằm chống dịch bệnh do thay đổi môi trường nước và chuẩn bị đầy đủ thuốc kháng sinh.

Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, đến nay toàn tỉnh có hơn 400 triệu con tôm sú và thẻ chân trắng bị thiệt hại, trên tổng diện hơn 800ha. Sở khuyến cáo người dân cần duy trì mật độ tôm nuôi trong ao, đìa, đảm bảo môi trường đủ oxy và sử dụng thức ăn chất lượng đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Trước tình hình mưa bão, người nuôi cần theo dõi và cập nhật diễn biến thời tiết để chủ động thu hoạch, gia cố bờ ao, và chuẩn bị các điều kiện cần thiết như máy bơm nước, lưới, đăng chắn, và cọc tre.

Chi cục Thủy sản Trà Vinh dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình nuôi tôm trong tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn liên quan đến thời tiết và môi trường. Do đó, các hộ nuôi tôm nên tập trung vào việc xử lý và duy trì vệ sinh ao nuôi và tuân thủ khuyến cáo của cơ quan thú y để giảm thiểu rủi ro.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.