| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc, bảo vệ thủy sản mùa mưa bão: [Bài 3] Quan tâm đặc biệt thủy sản nuôi lồng bè

Thứ Tư 17/07/2024 , 08:00 (GMT+7)

Nuôi cá lồng bè nếu không kiểm soát tốt môi trường nước, giá cả và quy hoạch sẽ có nguy cơ vỡ trận vì dịch bệnh.

Khu vực nuôi cá lồng bè tại sông Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Lê Bình.

Khu vực nuôi cá lồng bè tại sông Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Lê Bình.

Khó càng thêm khó

Nhìn từ trên cao, khu vực nuôi cá lồng bè đoạn cầu Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có số lượng lồng đông nghẹt, san sát nhau, đỉnh điểm có tới 6.600 lồng bè, khiến khu vực này từng mất kiểm soát.

Mật độ nuôi quá dày không chỉ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá mà còn dễ phát sinh dịch bệnh cho chính vật nuôi. Cộng với tình trạng nước ô nhiễm, đây có thể là nguyên nhân khiến cá bỏ ăn và chết trắng không rõ nguyên nhân càng trở nên phổ biến những năm gần đây.

Từ đầu năm đến nay, thời tiết tại khu vực nuôi lồng bè Long Sơn (xã Long Sơn) khắc nghiệt khiến cho tình hình dịch bệnh nhiều thêm, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán giảm mạnh khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Hoàng Thắng có kinh nghiệm nuôi cá lồng bè tại khu vực này được 13 năm, với 30 ô ao nuôi trên tổng diện tích 3.000m2. Các loại cá được nuôi ở đây chủ yếu gồm: cá mú, cá bớp, chim, tai bồ, hồng mỹ, cá dứa.

Theo anh Thắng, trước đây khu vực này nuôi cá rất đậu, cá sinh trưởng tốt nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, có thể do môi trường ô nhiễm và khí hậu thay đổi khiến nuôi cá lồng bè tỉ lệ đạt khoảng 50 - 60%. Người nuôi gần như không có lãi.

“Năm nay thời tiết đặc biệt khắc nghiệt, nắng mưa thất thường. Nắng nóng kéo dài, rồi lại chuyển sang mưa bất chợt với lượng mưa lớn dễ làm cá bị sốc nhiệt chết hoặc phát sinh dịch bệnh, chậm lớn. Tỷ lệ sống của cá và chất lượng vì thế cũng bị ảnh hưởng”, anh Thắng cho hay.

Hiện, ngoài nuôi cá thương phẩm, một số diện tích ao đang nuôi cá bố mẹ và cá giống cho công ty TNHH Seafish Vũng Tàu. Nếu không kiểm soát tốt nguồn nước và tình hình hình dịch bệnh còn ảnh hưởng đến cả nguồn cá giống.

Nuôi cá lồng bè tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang đối diện với nhiều khó khăn, nhiều hộ phải treo lồng. Ảnh: Lê Bình.

Nuôi cá lồng bè tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang đối diện với nhiều khó khăn, nhiều hộ phải treo lồng. Ảnh: Lê Bình.

Tại khu vực cá lồng đầu sông Chà Và, tỷ lệ sống của cá biển nuôi trong năm nay rất thấp, khoảng được 50%. Nhiều bè nuôi cá mú càng thê thảm hơn, tỉ lệ chỉ được 10%. Tiền bán cá còn chưa đủ bù tiền mua cá giống. Do thời điểm giao mùa, nắng nóng chuyển sang lạnh, rồi nóng lại, thời tiết cực đoan.

“Người còn bệnh nói chi đến cá. Hơn nữa, môi trường nuôi cá gần các khu công nghiệp lớn nên khó tránh khỏi nguồn nước bị tác động”, anh Đăng, chủ nuôi cá lồng bè nhận định.

Nuôi lồng bè là môi trường nuôi hở. Chính vì thế, quá trình phòng bệnh và trị bệnh lại khó càng thêm khó. Do đó, theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Nam (nuôi cá trên sông Chà Và), để vật nuôi thủy sản lồng bè khỏe mạnh thì việc lựa chọn con giống và thời điểm thả giống đặc biệt quan trọng. Con giống phải đảm bảo chất lượng, con giống phải qua kiểm dịch. 

Hơn nữa, để hạn chế nguy cơ gây bệnh cho tôm, cá, anh Nam thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng, đồng thời giảm mật độ nuôi trong các lồng so với mùa khô.

Theo các chủ lồng bè khác cũng trên dòng sông Chà Và, giá các loại cá biển (cá chim, chẽm, mú, cam…) đang giảm mạnh so với đợt Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá bán cá mú hiện nay chỉ còn 180.000 đồng/kg, giảm khoảng 90.000 đồng. Các loại cá khác cũng giảm từ 30.000 - 150.000 đồng/kg.

Trong khi đó, các chi phí như thức ăn, nhân công, thuốc men,… đều tăng mạnh. Do đó, nhiều hộ nuôi lồng bè ở khu vực sông Chà Và đã chuyển sang nuôi hàu đại dương vì ít vốn hơn hoặc treo lồng, bỏ nghề.

Tập trung phòng bệnh cho thủy sản

Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai quyết liệt trong việc khoanh vùng nuôi cá lồng bè từ năm 2020 đến nay để phát triển bền vững nhưng vẫn còn nhiều ngổn ngang. Sắp xếp lại vị trí lồng bè, tìm đầu ra bền vững và nâng cao giá bán không phải là chuyện có thể giải quyết trong nay mai. Do đó, việc quan trọng và mang tính quyết định lúc này là đồng hành cùng người nuôi cá lồng bè không để dịch bệnh xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Đây cũng là kinh nghiệm mà một số người nuôi cá lồng bè lâu năm tại xã Long Sơn như anh Phan Quốc Toản, Nguyễn Văn Vinh, Vũ Văn Giản hay chị Bùi Thị Mai ‘trụ vững’ trước nhiều khó khăn bủa vây. Cá khỏe, năng suất tốt là việc quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến doanh thu của cả vụ nuôi trồng.

Kiểm soát thức ăn, tỉa đàn và phát hiện kịp thời tình trạng bỏ ăn nếu có là những cách giúp cá lồng bè phát triển tốt trong mùa mưa bão. Ảnh: Lê Bình.

Kiểm soát thức ăn, tỉa đàn và phát hiện kịp thời tình trạng bỏ ăn nếu có là những cách giúp cá lồng bè phát triển tốt trong mùa mưa bão. Ảnh: Lê Bình.

Môi trường nước là yếu tố tiên quyết đến sức khỏe vật nuôi lồng bè. Chính vì vậy, ngoài việc hạn chế thấp nhất sự tác động của con người đến môi trường nước, kiểm soát chất lượng nước là điều tối quan trọng. Từ đó, sẽ có những điều chỉnh phù hợp để vật nuôi khỏe mạnh, tránh bỏ ăn và đối diện nguy cơ chết hàng loạt.

Hàng tháng, Chi cục Thủy sản tỉnh đều thực hiện công tác thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo tần suất 2 lần/tháng. Mục tiêu là kịp thời khuyến cáo cho bà con nuôi trồng thủy sản và hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Theo ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, số lượng mẫu thu được trong 6 tháng đầu năm 2024 là 130 mẫu. Số lượt chỉ tiêu môi trường phân tích được là 1.240 lượt, trong đó 975 chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép và 265 chỉ tiêu vượt quá giới hạn cho phép (gồm NH4 vượt 97/130 mẫu; NO2 vượt 45/130 mẫu; COD vượt 123/130 mẫu).

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng nắm sát tình hình môi trường, sức khỏe đàn vật nuôi để có những khuyến cáo đến người nuôi cá lồng bè trên địa bàn.

Theo bà Đào Thị Thanh, Phó trưởng phòng nghiệp vụ khuyến nông và hỗ trợ nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, người nuôi chọn con giống và thả cá giống vụ mới đúng mùa vụ và tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng cho cá.

Người nuôi cần vệ sinh sạch sẽ lồng nuôi giúp giảm bớt nguyên nhân gây bệnh cho cá. Ảnh: Lê Bình.

Người nuôi cần vệ sinh sạch sẽ lồng nuôi giúp giảm bớt nguyên nhân gây bệnh cho cá. Ảnh: Lê Bình.

“Thời điểm thả cá giống tốt nhất là từ tháng 4 - 7 vì thời tiết lúc này đã ấm hơn, môi trường nước ít biến động nên tỷ lệ sống tốt hơn. Còn từ tháng 9 - 10 mưa nhiều làm chất lượng nguồn nước kém, cá dễ bị nhiễm bệnh ký sinh trùng chết hàng loạt”, bà Thanh thông tin.

Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu lưu ý, trong thời điểm chuyển mùa có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm giông tố, lốc xoáy và gió giật mạnh. Do đó, bà con cần tu sửa lồng bè, chằng chống nhà bè, dây neo chắc chắn.

Nên giảm 50 - 70% lượng thức ăn cho ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường. Người nuôi cần thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản chết, sử dụng lưới lan che bề mặt lồng bè nuôi để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng nuôi.

“Đối với số cá chết, đề nghị bà con cần thu gom, đưa vào bờ chôn lấp và xử lý theo quy định, không vứt cá chết trên sông, gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi xung quanh và làm ô nhiễm môi trường các vùng lân cận”, ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào ruộng lúa, lợi nhuận tăng 6,5 triệu đồng/ha

KIÊN GIANG Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp vi sinh xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng giúp bổ sung dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất lúa.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.