| Hotline: 0983.970.780

Sẵn sàng chi trả gói hỗ trợ cho hộ kinh doanh, người lao động

Thứ Ba 26/05/2020 , 13:27 (GMT+7)

Huyện Thạch Thất (Hà Nội) đang khẩn trương rà soát, lập danh sách sớm chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các hộ kinh doanh, người lao động… ảnh hưởng dịch Covid-19.

Huyện Thạch Thất kê khai thông tin về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Trần Hồ.

Huyện Thạch Thất kê khai thông tin về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Trần Hồ.

Không quá 5 ngày là chi trả xong

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19, ngày 12/5 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 1955/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng là người lao động mất việc làm, người lao động có thu nhập giảm, các hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid -19.

Theo đó, ngày 18/5 UBND huyện Thạch Thất ban hành văn bản số 145/KH-UBND xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid -19 trên địa bàn huyện.

Để hỗ trợ kịp thời các chủ sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể, người lao động giảm bớt khó khăn, bảo đảm cuộc sống, góp phần ổn định xã hội, Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện đã tham mưu UBND huyện thành lập ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, thành lập tổ thẩm định xét duyệt hỗ trợ. Đồng thời ban hành các văn bản, công văn hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai kê khai cho người dân.

Về mức hỗ trợ, đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương là 1.800.000 đồng/người/tháng.

Đối với các hộ kinh doanh, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động làm việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng LĐ, TB-XH huyện Thạch Thất cho biết: “Hiện UBND các xã, thị trấn đang hướng dẫn người lao động, các hộ kinh doanh làm đơn, sàng lọc đối tượng để đảm bảo chi trả đúng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Các địa phương có hồ sơ gửi lên, chúng tôi chỉ mất 5 ngày để ban hành quyết định và chi trả”.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đưa ra những khó khăn, như 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ chưa được cụ thể, chi tiết; thời gian giãn cách xã hội qua 22 ngày nhưng trong quyết định yêu cầu đủ điều kiện hỗ trợ phải 1 tháng nghỉ việc; thực tế các địa phương gặp nhiều vướng mắc trong xác định đối tượng hỗ trợ…

“Chúng tôi quán triệt có hồ sơ là chi trả cho người dân, làm rải ra chứ không chờ tập trung đủ các địa phương mới chi trả. Nếu nhanh thì đến cuối tháng 5 có thể giải ngân một số nhóm đối tượng, cũng có thể sang tháng 6, chậm nhất là 15/7 phải hoàn thành xong chi trả cho người lao động, hộ kinh doanh... Chúng tôi làm theo phương châm nhóm đối tượng nào dễ làm trước, khó làm sau”, ông Thắng nhấn mạnh.

Phải công khai, minh bạch trước dân

Tại thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) mấy ngày nay các tổ dân phố, khu dân cư đang gấp rút lập danh sách, hướng dẫn kê khai cho người dân, nhằm hoàn thành sớm chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Hiện thị trấn Liên Quan có trên 120 đối tượng lao động, hộ kinh doanh được xác định cần hỗ trợ sau giãn cách xã hội.

Người lao động ở huyện Thạch Thất trở lại làm việc sau thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Trần Hồ.

Người lao động ở huyện Thạch Thất trở lại làm việc sau thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Trần Hồ.

Ông Vũ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, 6 nhóm đối tượng rà soát và chuyển lên trên huyện chờ duyệt. Nếu không có gì thay đổi cuối tháng 5, thị trấn Liên Quan có thể chi trả hỗ trợ cho người lao động, các hộ kinh doanh… gặp khó do dịch Covid-19. Thời gian tới, người dân còn có văn bản đề nghị hỗ trợ thì địa phương sẽ tiếp tục rà soát, lập danh sách, xét duyệt thêm.

“Chúng tôi đề nghị các tổ dân phố tiếp tục rà soát chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo không bỏ sót, không nhầm lẫn, mập mờ các đối tượng được hưởng hỗ trợ gói an sinh xã hội. Vấn đề này không thể làm ẩu được, nếu làm không đúng sẽ có tội với dân, làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Trịnh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đăng Khả, Tổ trưởng dân phố Đồng Cam (thị trấn Liên Quan) chia sẻ: Tổ dân phố chúng tôi có hơn 50 hộ gia đình nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ do dịch Covid-19. Người dân rất phấn khởi, mong chờ sớm nhận được tiền hỗ trợ để có thêm động lực làm việc, khôi phục kinh tế. Thực tế một số gia đình từ chối nhận trợ cấp, là họ muốn nhường phần mình cho người khó khăn hơn.

Còn theo bà Đỗ Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Nậu: Đến thời điểm này, xã chưa có một đề nghị nào của người lao động, các hộ kinh doanh…về hỗ trợ sau giãn cách xã hội. Mặc dù ngay từ đầu, xã thành lập các tổ, ban Công an xuống các làng nghề tuyên truyền. Đồng thời cử cán bộ, trưởng thôn đến trực tiếp hướng dẫn hồ sơ, kê khai nhưng hầu như người dân làng nghề không muốn nhận hỗ trợ.

Theo lý giải của người dân, xã Canh Nậu là xã làng nghề, thời điểm giãn cách xã hội người dân vẫn trực tiếp làm việc tại nhà; phần nữa người dân ở đây có kinh tế khá hơn muốn nhường cho những gia đình khác, địa phương khác khó khăn hơn.

“Huyện Thạch Thất có 2 khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai và khu công nghệ cao Hòa Lạc, cùng với đó có rất nhiều làng nghề nên lao động vẫn tiếp tục đi làm. Về cơ bản người dân không thiếu việc làm, quan trọng là người lao động có quay lại làm việc hay không”, ông Nguyễn Quyết Thắng nói.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm