Dễ làm trước, khó làm sau
Theo UBND xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) ngay sau khi có Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, UBND xã đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 trên địa bàn xã.
Ban chỉ đạo rà soát, niêm yết công khai và thực hiện chi trả hỗ trợ các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo minh bạch, chính xác từ 30/4 – 1/5.
Thực hiện rà soát theo 7 nhóm đối tượng, toàn xã có hơn 700 lao động không có giao kết hợp đồng lao động.
Ngoài ra còn khoảng 400 lao động tự do, may mặc, bán hàng, cơ khí… bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Riêng các hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm là 34 hộ. Các hộ kinh doanh cá thể chịu ảnh hưởng của dịch thuộc diện hỗ trợ có 24 hộ.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, xã đã chi trả xong giai đoạn 1 cho người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo… Đối với nhóm đối tượng mất việc làm, giảm sâu thu nhập, không có giao kết hợp đồng… hơi phức tạp, xã đang chỉ đạo phải rà soát lại.
Theo huyện chỉ đạo, nếu kê khai chưa hết đối tượng hỗ trợ chưa chi trả, còn lại vẫn chờ hướng dẫn của TP.
Ông Thông nhấn mạnh: “Bà con phấn khởi, hào hứng vì tiền hỗ trợ cũng phần nào giúp họ bớt khó khăn trong cuộc sống, tạo động lực để làm việc. Thời gian tới xã sẽ chỉ đạo rà soát lại một cách chặt chẽ, thận trọng, chứ không làm qua quýt, tránh sai sót. Chúng tôi thực hiện phương châm dễ làm trước, khó làm sau”.
Kinh doanh dậm chân tại chỗ
“Trước mắt UBND xã đề nghị người dân tiếp tục quay trở lại làm việc, đúng ngành nghề của mình. Trường hợp nào thiếu vốn, thuộc nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách thì phải gặp gỡ các tổ vay vốn chính sách ở các thôn, các quỹ tín dụng hoặc ngân hàng tùy theo người dân lựa chọn. Đối với ngành nông nghiệp thì có HTX hướng dẫn đầy đủ. Xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hạ tầng, giao thông… cho người dân yên tâm phục hồi sản xuất”, ông Nguyễn Văn Thông nói.
Ghi nhận thực tế tại xã Đan Phượng, nhiều hộ kinh doanh rơi vào tình trạng trì trệ, thậm chí nhiều dịch vụ như ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí… vẫn ế ẩm.
Anh Tạ Kìm Cường (thôn Đại Phùng) bán quán ăn gần chục năm nay, do ảnh hưởng Covid -19 phải đóng cửa gần 2 tháng, thất thu hàng chục triệu đồng.
Anh Cường chia sẻ: “Tôi mở quán được gần một tuần nay mà quán sá đìu hiu, khách ngày càng vắng. Trước tôi bán được 30kg bún/ngày, nay bán chưa đến 10kg, hôm nay bết bát nhất chỉ bán được trên 10 bát bún.
Hiện bán bún lãi không có, không đủ tiền mua gia vị. Kinh tế gia đình thiệt hại khoảng 60 – 70%, giờ không bán được cũng lo lắng, gia đình tôi đang nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng. Nếu tình trạng kéo dài thì tôi tính bỏ nghề”.
Theo anh Cường, do tâm lý người dân bây giờ hạn chế tiếp xúc nên còn e dè đi ăn uống, tập trung đông người. Hơn nữa, người dân dần ở nhà làm gói mỳ tôm, làm đĩa cơm rang cho xong bữa.
“Được hỗ trợ tiền từ Nhà nước thì người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, mình không phải hộ nghèo, lại sức trẻ mà phải đi xin hỗ trợ cũng ngại. Nếu nhận thì thêm thắt, động viên tinh thần, có động lực hơn”, anh Cường phân trần.
Còn anh Tạ Đăng Khôi (thôn Đại Phùng) chủ tiệm sửa chữa xe máy buồn bã nói: Đối với cơ sở tôi ảnh hưởng khoảng 20%, còn với dich vụ chịu thiệt hại 100%, buôn bán vẫn dậm chân tại chỗ, không xuất bán được hàng. Trong khi phải phải thuê 3 công nhân, trả lương 7-12 triệu đồng/tháng.
Dù vậy, anh Khôi từ chối nhận gói hỗ trợ từ Nhà nước với lý do nhường cho hoàn cảnh gặp khó khăn hơn. Cơ sở của anh vẫn trụ được và xoay sở từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Anh nói, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân nên rất vui. Lòng tin vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương càng vững chắc hơn.
Ông Bùi Vinh Nghê, trưởng thôn Đại Phùng, cho hay: Nhiều người dân rất tâm đắc trước chính sách nhân văn hỗ trợ rất nhân văn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, chia sẻ trước khó khăn với chính quyền địa phương một số hộ gia đình quyết định không kê khai nhận tiền hỗ trợ. Đó là sự tự nguyện!