| Hotline: 0983.970.780

Sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Thứ Bảy 10/05/2014 , 07:57 (GMT+7)

Vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam, các lực lượng Việt Nam đang làm việc bình thường. Do đó không có chuyện rút tàu rồi đàm phán.

Tại buổi họp báo của Hội Luật gia Việt Nam (VN) công bố bản tuyên bố phản đối việc Trung Quốc (TQ) đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế VN chiều 9-5, luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cùng Chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh, Tổng Thư ký Lê Minh Tâm đã trả lời câu hỏi của các phóng viên. Sau đây là  phần trả lời của ông Trần Công Trục đối với các vấn đề liên quan do báo giới đặt ra tại buổi họp báo này.

Yêu cầu VN rút tàu rồi đàm phán là buồn cười

. Báo Pháp Luật TP.HCM: Hôm qua, Bộ Ngoại giao TQ đã họp báo quốc tế, gợi ý VN rút các tàu của mình ra khỏi khu vực giàn khoan, rồi đôi bên đàm phán giải quyết vấn đề. Ông bình luận thế nào về đề nghị này?

+ Ông Trần Công Trục: Đề nghị này là không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười. Vị trí giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa VN, không dính dáng gì đến vùng biển mà họ gọi là Tây Sa, cũng như không liên quan gì đến cái họ gọi là chồng lấn tính từ các đường cơ sở đã công bố. Vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền VN, các lực lượng VN đang làm việc bình thường. Do đó không có chuyện rút tàu rồi đàm phán.

VN sẵn sàng đàm phán hòa bình, không để xung đột ảnh hưởng đến hòa bình. Ta kiên trì, kiềm chế nhưng không phải bằng mọi giá. Thái độ của TQ khi đưa ra gợi ý đó là gây sức ép và không bình thường. Chắc chắn không bao giờ VN làm việc vô lý đó.

. Tuổi Trẻ: Ông đánh giá thế nào về việc TQ chọn thời điểm này để hành động?

+ Trước khi có bước đi này, TQ đã làm nhiều chuyện, trên tất cả lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, thông tin truyền thông. Đặc biệt là các hoạt động trên thực tế, từng bước từng bước với những động cơ khác nhau như thăm dò, đe dọa, răn đe, để rồi tính toán đến thời điểm làm việc này.

TQ đã tính vào thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là các nước phương Tây, Mỹ, Nga đang có bận rộn ở Ukraine.

Đây là bước tiến rất quan trọng, rất nguy hiểm của TQ, là kết quả tất yếu mà TQ đã bài binh bố trận từ khá lâu rồi. Theo tôi, TQ sẽ không dừng lại ở bước đi này mà còn tính toán bước tiếp để thực hiện ý đồ mà họ đã công bố công khai bằng đường lưỡi bò chiếm đến 85% diện tích biển Đông.

. Pháp Luật TP.HCM: Phải chăng TQ đang cố biến vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN thành vùng tranh chấp?

+ Đây là cách TQ vận dụng, diễn giải UNCLOS theo ý đồ biến tài sản riêng của người khác thành tài sản của mình; biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Đây là một bước để TQ nhằm tới mục tiêu của mình trong âm mưu độc chiếm biển Đông.

Cần kiện để đảm bảo lợi ích cho chúng ta

. Quân Đội Nhân Dân: Với hành vi vi phạm pháp luật quốc tế như thế của TQ, trên cơ sở UNCLOS, ta có giải pháp gì?

+ UNCLOS có quy định về các chế tài, quy tắc, thủ tục để các bên đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về Luật Biển. VN là thành viên UNCLOS và có thể thực hiện điều hết sức chính đáng đó như một biện pháp hòa bình.

Trong nội dung đàm thoại giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với người đồng cấp TQ cũng nêu rõ: VN sẵn sàng áp dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để xử lý vấn đề này. Việc đưa vấn đề này lên các cơ quan tài phán quốc tế là bình thường, đúng đắn và văn minh trong một xã hội hiện đại.

. Đời Sống & Pháp Luật: Vậy ta đã có thể triển khai vụ kiện ngay chưa, hay còn tùy thuộc vào vấn đề nào nữa?

+ Tôi tin là các cơ quan chức năng VN đang chuẩn bị, thậm chí đã chuẩn bị từ lâu rồi. Bây giờ là lúc hoàn thiện nó lên.

Chúng ta không nên sốt ruột vì việc này. Không thể nói là làm ngay được mà phải chuẩn bị chu đáo. Lực lượng luật gia phải chuẩn bị vào trận, chuẩn bị kỹ. Tôi nghĩ sớm muộn thì điều đó sẽ xảy ra. Với ý kiến cá nhân, tôi nghĩ trong lúc này, thế mạnh của VN là pháp lý. Chắc chắn chúng ta nắm điều đó đảm bảo cho lợi ích của chúng ta.

. Tuổi Trẻ: Nếu kiện ra tòa án quốc tế, ông có niềm tin là VN sẽ thắng không?

+ Với tất cả kinh nghiệm của người nghiên cứu vấn đề này, tôi tin nếu chúng ta đưa vụ kiện này lên tòa án trọng tài quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế, chúng ta sẽ thắng lợi. Vì chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, có đầy đủ cơ sở có thể kiện.

Tất nhiên khi kiện lên tòa có nhiều yếu tố, không chỉ đơn thuần về pháp lý, chân lý mà còn nhiều vấn đề khác. Thực tiễn trong hoạt động tài phán còn có yếu tố thái độ của đương sự, thái độ của ủy viên tham gia vào HĐXX... Muốn làm chúng ta phải chuẩn bị nhiều biện pháp đảm bảo cho tiếng nói chân lý được trở thành hiện thực.

Hiệu quả của vụ kiện, chí ít là ta nói được với thế giới rằng VN có niềm tin đối với chân lý. VN tôn trọng và có trách nhiệm của mình trong việc tận dụng, sử dụng UNCLOS với tư cách là một thành quả của nhân loại và nhân loại sử dụng để giải quyết tranh chấp vì lợi ích chính đáng của các dân tộc, vì thế giới hòa bình và ổn định.

 

(plo.vn)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm