| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa ĐBSCL ngày càng đối mặt nhiều thách thức

Thứ Năm 30/03/2023 , 17:29 (GMT+7)

Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải đang rất cấp thiết để giải quyết những thách thức ngày càng lớn của sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL.

Sản xuất lúa gạo ngày càng đối mặt nhiều thách thức

Ngày 30/3 tại TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo “Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng châu Á” với 2 chương trình sáng kiến của CGIAR (Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) gồm sáng kiến nông nghiệp xuất sắc thích ứng biến đổi khí hậu (Excellence in Agronomy) và sáng kiến đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ đồng bằng châu thổ châu Á (Asian Mega-Delta).

Empty

Khu vực châu Á đóng góp 90% lúa gạo phục vụ cho thế giới, trong đó vựa lúa ĐBSCL có vai trò rất lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp cho nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải; tập trung vào giải pháp gieo sạ chính xác, xây dựng và ứng dụng bản đồ rủi ro khí hậu và kế hoạch thích ứng; các công cụ giám sát báo cáo quản lý mùa vụ; phát triển các giải pháp kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ; công cụ liên minh học tập về biến đổi khí hậu; dịch vụ khí hậu nông nghiệp và đề xuất các hoạt động ưu tiên hợp tác giữa hai chương trình Excellence in Agronomy và Asian Mega-Delta

TS Virender Kumar, Phó Giám đốc nghiên cứu của Ban Tác động bền vững thuộc IRRI cho biết: Sản xuất lúa gạo với sản lượng hơn 500 triệu tấn/năm là nguồn lương thực chính phục vụ cho hơn 3,5 tỷ người trên thế giới, trong đó châu Á đóng góp 90%. Mặc dù vậy, sản xuất lúa gạo trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cũng đang đối diện với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ bất thường, thiếu hụt lao động... Mặt khác, sản xuất lúa gạo, nhất là lúa nước làm tăng phát thải khí nhà kính. 

Ông Virender Kumar cũng đưa ra những dẫn chứng về tác hại của biến đổi khí hậu gây ra như: Hiện nay đa phần nông dân chưa tiếp cận các giải pháp nông nghiệp một cách đồng nhất và toàn diện, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân sản xuất nhỏ.

Empty

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều khó khăn cho sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về công tác khuyến nông, ông Virender Kumar cho rằng thường chưa hiệu quả và khá tốn kém, đặc biệt nếu tiếp cận theo cách truyền thống. Còn công tác khuyến nông tư nhân thường chỉ tập chung vào một vài sản phẩm thay vì dịch vụ theo gói. Nỗ lực khuyến nông chỉ có hiệu quả ngắn hạn nếu không giải quyết các hạn chế trên và có nhiều giải pháp tập trung vào nông dân.

Chính vì vậy, việc phát triển các giải pháp khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải là rất cần thiết để giải quyết đồng thời giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng năng suất lao động và giá trị sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Nhiều kỳ vọng từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Hiện nay, Bộ NN-PTNT Việt Nam đang triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) và với cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Trong đó, ngành lúa gạo ĐBSCL sẽ phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng hiện đại gắn với tăng trưởng xanh, trong đó nhiệm vụ trọng tâm gồm cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa và ứng dụng nhanh công nghệ cao, công nghệ số để tiến đến thực hành canh tác lúa chính xác và thông minh.

Empty

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng thời, phát triển mạnh các mô hình canh tác lúa tuần hoàn, sử dụng phụ phế phẩm lúa gạo để vừa gia tăng giá trị, vừa giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới giúp nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa, tiết kiệm vật tư đầu vào và tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm, giảm thấp nhất mức phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo.

Song song đó, ngành lúa gạo Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất lúa để đạt được các chứng nhận, gắn với các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như “1 phải 5 giảm”, VietGAP, GlobalGAP, SRP, lúa hữu cơ... Qua đó, tiến hành đăng ký chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm, đồng thời đăng ký mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo ông Tùng, trong quá trình triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, những các nội dung trọng tâm sẽ tập trung vào xây dựng mô hình mẫu nhằm trình diễn quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bao gồm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, cơ giới hóa đồng bộ, đáp ứng mục tiêu lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh.

Quy mô mỗi mô hình tối thiểu 100ha. Tùy theo điều kiện của các địa phương và vùng sinh thái, mỗi địa phương cấp tỉnh sẽ phối hợp với doanh nghiệp liên kết xây dựng 1 - 2 mô hình trong hai vụ liên tiếp, sau đó tổng kết và xây dựng kế hoạch nhân rộng.

“Từ việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, sẽ giúp bà con nông dân ĐBSCL gia tăng thêm thu nhập, trước mắt nông dân có thể giảm được lượng giống gieo sạ từ 160 - 180kg/ha trước đây xuống còn dưới 80kg/ha, giảm phân bón và thuốc trừ sâu 30%. Lượng nước tưới cũng giảm 30%; áp dụng các tiêu chuẩn GAP đạt 80%; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất; áp dụng cơ giới hóa và đồng bộ các giải pháp sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch dưới 8%...

Bên cạnh đó, di chuyển rơm rạ khỏi đồng ruộng và tái sử dụng, chế biến trên 80%, giảm khí phát thải trên 10%; sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam tăng lên trên 20%...” ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định.

Lan tỏa canh tác lúa thông minh

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền là một trong nhiều doanh nghiệp trong nước hưởng ứng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và đang xây dựng hàng trăm mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Ông Hồ Thế Huy, Trưởng vùng ĐBSCL (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền) cho biết, Công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và 13 tỉnh vùng ĐBSCL triển khai chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu từ năm 2016 - 2022 với gần 500 mô hình trong các vụ đông xuân và hè thu, qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân.

Quy trình canh tác lúa thông minh đã giúp giảm được lượng giống gieo sạ, lượng phân bón, qua đó giúp tiết kiệm chi phí cho bà con nông dân. Về giá trị khoa học, quy trình đã được kiểm chứng tại 13 tỉnh ĐBSCL trên nhiều vụ và nhiều loại đất khác nhau, do đó các kết quả có số liệu đáng tin cậy.

Empty

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền xây dựng hàng trăm mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân tại vùng ĐBSCL Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Quy trình canh tác lúa tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là sản phẩm của chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” nhằm kế thừa kết quả của các quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng” và “1 phải  5 giảm” cùng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo cho vùng ĐBSCL...

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, hiện nay ở ĐBSCL, sản xuất lúa đạt năng suất khá tốt, riêng TP Cần Thơ cơ cấu 3 vụ/năm và có thể đạt năng suất trên 18 tấn/ha/năm. Địa phương cũng bố trí cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 90%/3 vụ, từ đó đã góp phần gia tăng lượng lúa gạo chất lượng cao trên thị trường xuất khẩu. Thông qua hội thảo, ông Nghiêm kỳ vọng các nhà khoa học và IRRI sẽ gợi ý được những chính sách quan trọng giúp ngành nông nghiệp các cấp có những giải pháp, chính sách thích hợp cho việc triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong thời gian tới.

"Sản xuất lúa gạo vẫn còn một số bất cập khó khăn như: Vẫn còn tình trạng nông dân gieo sạ ở mật độ cao, sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học còn nhiều, sử dụng rơm rạ chưa hợp lý và còn đốt đồng gây ô nhiễm môi trường… Hiện nay, ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng kép từ biến đổi khí hậu và nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông nên ngày càng có nhiều áp lực cho ngành sản xuất lúa gạo", ông Nghiêm nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất