| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất & thương mại các bon từ rừng: Chuỗi giá trị đặc sắc, mới mẻ

Thứ Ba 09/11/2021 , 08:30 (GMT+7)

Rừng bảo vệ bầu khí quyển, hạn chế mặt trái của biến đổi khí hậu; rừng còn đem đến một lợi ích kinh tế không ngờ là sản phẩm các bon thương mại.

GS.TS Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT).

GS.TS Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT).

Nhằm khép lại loạt bài về các bon từ rừng với những thông tin gợi mở ban đầu liên quan một lĩnh vực kinh tế còn khá mới ở Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT).

Thưa ông, hiện nay, đã có hàng chục quốc gia áp dụng hoặc lập kế hoạch áp dụng công cụ định giá các bon, vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường các bon từ rừng Việt Nam?

Tiềm năng của thị trường các bon từ rừng Việt Nam là khá lớn vì chúng ta đã quan tâm chuẩn bị cho việc định giá các bon, có cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như đạt được kết quả tốt trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng so với giai đoạn tham chiếu (1995 - 2010).

Nói giản lược, định giá các bon rừng là việc xác định giá trị của lượng các bon do rừng hấp thụ và lưu giữ lại ở bên trong nó. Một cách khác, định giá các bon rừng cũng là việc xác định khoản tiền do người phát thải trả cho chủ rừng trên cơ sở thỏa thuận của hai bên theo quy định hoặc có sự điều tiết của nhà nước.

Việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ 01/01/2022) sẽ đẩy nhanh quá trình này ở nội địa. Đồng thời, Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực từ 01/01/2019) đã quy định dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon là một loại dịch vụ môi trường rừng, có thể thương mại hóa trên thị trường nội địa và quốc tế.

Báo cáo về Đóng góp do quốc gia tự quyết định gửi Ban thư ký UNFCCC (ngày 11/9/2020) đã thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, đến 2030, Việt Nam giảm 9% tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính (tương đương 83,5 triệu tấn các bon) so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước.

Mức đóng góp này có thể đạt 27% (tương đương 250,5 triệu tấn các bon) nếu có sự hỗ trợ quốc tế. Cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại CoP26 vừa qua càng mạnh mẽ hơn nữa, đưa lượng giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Thực hiện cam kết này, sẽ kích thích thị trường các bon nở rộ. Sứ mệnh của thị trường các bon là "cân đối", "trao đổi", là "bù trừ" lượng giảm phát thải và lượng hấp thụ các bon giữa các ngành, phân ngành, các địa phương, quốc gia, qua đó đạt được mục tiêu vĩ mô và tổng thể là đảm bảo cân bằng, trung hòa lượng phát thải ròng.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã hoàn thành 4 trụ cột của REDD+, sẵn sàng tham gia thị trường các bon rừng. Hiện nay, Việt Nam đã ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải với WB, thu về 51,5 triệu USD cho vùng Bắc Trung bộ; ký Ý định thư với Tổ chức Emegent thuộc sáng kiến LEAF, lượng chi trả ban đầu sẽ là hơn 1.200 tỷ đồng cho vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Việt Nam cũng đã hoàn thành báo cáo REDD+, đề nghị Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ tối thiểu 50 triệu USD cho kết quả năm 2014 ở một số tỉnh miền núi, trung du. Trong giai đoạn tới, thương mại các bon rừng có thể đạt trên 2000 tỷ đồng mỗi năm.

Với tỷ lệ che phủ rừng hơn 40% của Việt Nam hiện nay, việc tham gia vào thị trường các bon sẽ đóng góp gì vào quá trình bảo vệ, phát triển rừng và tạo sinh kế cho người dân?

Mặc dù sáng kiến phát triển thị trường các bon nhằm làm giảm lượng phát thải khí nhà kính, nhưng bản thân nó cũng bao trùm nhiều mục tiêu cụ thể.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, thị trường các bon rừng có thể được xem là điểm gặp gỡ giữa quan điểm bảo tồn với phát triển, giữa kinh tế với sinh thái, giữa phát thải với hấp thụ, giữa quản lý tài nguyên tái tạo với sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Bảo vệ và phát triển rừng để có "hàng hóa các bon" đem bán cũng là một phương cách góp phần cải thiện sinh kế cho người dân.

Tín chỉ các bon rừng chỉ được tạo ra khi rừng tốt lên, nhiều thêm, rừng không bị suy giảm diện tích hoặc suy thoái về chất lượng. Thị trường các bon chính là cơ hội để biến kết quả này thành nguồn thu cho chủ rừng và cộng đồng dân cư, qua đó tạo ra động lực kinh tế cho phát triển rừng. Trong quá trình này, cả chất lượng rừng và mức sống của người dân đều được tăng lên, là sự cộng hưởng, tương tác mong đợi từ lâu.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thiếu nhiều quy định làm chậm tiến trình mua bán tín chỉ các bon, ông có đánh giá gì về ý kiến trên?

Thương mại các bon nói chung, thương mại tín chỉ các bon rừng là nội dung mới và còn nhiều thách thức trong việc biến ý tưởng thành hiện thực, cả trên thế giới và ở Việt Nam. Có thể thấy, cả thế giới và trong nước dường như đang trong giai đoạn "thí điểm".

Thí điểm là cần thiết vì còn thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh và vì còn mỏng về kinh nghiệm thực tiễn. Trong mua bán, không chỉ có giá cả, mà còn phải xác lập các quy định pháp lý về quyền tài sản và cách thức chuyển nhượng quyền tài sản.

Hiện nay, các quy định về quyền các bon, hệ thống chuyển nhượng quyền các bon, giấy chứng nhận giảm phát thải... chưa hoàn thiện. Ngoài ra, năng lực kỹ thuật còn hạn chế; thiếu nguồn đầu tư cho điều tra, theo dõi, giám sát rừng để xây dựng báo cáo đo đạc, báo cáo và kiểm chứng (MRV), nhất là việc bóc tách kết quả hấp thụ các bon từ rừng.

Để đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa các bon rừng, sớm đưa lợi ích đến chủ rừng, chúng tôi đã đề xuất áp dụng giải pháp hành động thí điểm đi trước, đi đôi với kiến nghị hoàn thiện một số quy định pháp luật. Hy vọng rằng, thương mại các bon từ rừng sẽ đạt được kết quả khả quan trong thời gian tới.

Việt Nam đã hoàn thành 4 trụ cột của REDD+, sẵn sàng tham gia thị trường các bon rừng.

Việt Nam đã hoàn thành 4 trụ cột của REDD+, sẵn sàng tham gia thị trường các bon rừng.

Dưới góc độ ngành lâm nghiệp, theo ông, Việt Nam cần có những chính sách như thế nào để khai thác được tiềm năng của thị trường các bon trong tương lai?

Với ngành lâm nghiệp, việc phát triển thị trường các bon rừng đồng nghĩa với việc phát triển dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon rừng (theo khoản 3 Điều 61 Luật Lâm nghiệp) gắn với đóng góp giảm phát thải cho thực hiện cam kết của quốc gia (NDC).

Sản xuất, thương mại các bon từ rừng cũng là phát triển chuỗi giá trị đặc sắc, mới mẻ, làm cho phát triển lâm nghiệp tự thân trở thành trụ đỡ cho phát triển kinh tế xanh, thành nhân tố quan trọng trong việc góp phần đảm bảo sự hài hòa và cân bằng giữa bảo tồn với phát triển.

Chúng tôi nhận thức rằng, việc duy trì lượng giảm phát thải ròng bằng 0 vào thời điểm 2050 không có nghĩa là lượng phát thải của từng ngành, phân ngành, hoạt động hay của địa phương nào đó đều bằng 0, mà nó sẽ được điều tiết, cân bằng thông qua cơ chế định giá và thị trường các bon, trong đó có các bon từ rừng. Để triển khai ý tưởng này, chúng tôi chú ý ba điểm chính như sau:

Một là, cần bổ sung quy định cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ các bon rừng, như quy định về định giá các bon, quyền các bon, chuyển quyền giảm phát thải, quản lý tài chính dịch vụ các bon rừng...

Trước mắt, tiếp tục triển khai thí điểm thương mại các bon rừng với quỹ đối tác các bon lâm nghiệp (FCPF), tiến tới củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Lâm nghiệp (Điều 61 - 65), Nghị định số 156/2019/NĐ-CP và một số văn bản khác có liên quan.

Hai là, xây dựng hướng dẫn về mua bán tín chỉ các bon, trong đó có các bon rừng theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, đồng thời xây dựng hướng dẫn quản lý kinh doanh tín chỉ các bon rừng theo cả thị trường tự nguyện và thị trường chính thức; thực hiện việc kiểm kê, giám sát, báo cáo kết quả giảm phát thải; đăng ký kết quả giảm phát thải.

Ba là, tổ chức tổng kết, đánh giá việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện REDD+ (NRAP) giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng khung nội dung thực hiện NRAP giai đoạn 2021 - 2030.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.