| Hotline: 0983.970.780

Tín chỉ các bon thúc đẩy chuyển hướng nền kinh tế xanh

Thứ Hai 08/11/2021 , 05:11 (GMT+7)

Chương trình giảm phát thải của Việt Nam sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung quan trọng để đầu tư vào rừng, tạo ra thu nhập cho các chủ rừng, phát triển bền vững.

Giữ được rừng sẽ bổ sung được nguồn lợi ích kinh tế từ giảm phát thải các bon. Ảnh: HA.

Giữ được rừng sẽ bổ sung được nguồn lợi ích kinh tế từ giảm phát thải các bon. Ảnh: HA.

Thương mại các bon rừng là xu thế tất yếu, giúp người “sản xuất tín chỉ các bon” - chủ rừng tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng, mặt khác là động lực để bên mua - thường là các nhà sản xuất công nghiệp đầu tư công nghệ theo hướng sạch - tái tạo. Thị trường tín chỉ các bon càng sôi động càng là chỉ dấu phát triển của nền kinh tế xanh.

Bản thân các bon không phải mặt hàng theo nghĩa đen, nhưng giảm được lượng phát thải song hành với tăng trữ lượng rừng sẽ tạo ra độ chênh giữa thải ra - hấp thụ và trở thành tín chỉ để mua bán dựa trên công thức 1 tín chỉ các bon tương đương 1 tấn CO2 giảm phát thải.

Thị trường tín chỉ các bon đang tồn tại 2 dạng thức tự nguyện và bắt buộc. Tuy nhiên, do vấp phải một số tồn tại pháp lý, dù được cho là lâu dài sẽ phải đi bằng cả 2 chân nên Việt Nam đang lựa chọn phương án tự nguyện để tiếp cận thị trường tín chỉ các bon quốc tế. Điều kiện hiện tại ở Việt Nam thông qua các chương trình, dự án của ngành lâm nghiệp về trồng rừng (mới), tái trồng hay giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng đã được triển khai quy mô sẽ giúp cho thị trường tự nguyện dễ được triển khai.

Lợi thế khi tiếp cận phương án này là một mặt vừa bán được tín chỉ các bon ra bên ngoài, đồng thời có thời gian xây dựng khung pháp lý chuẩn bị cho thị trường bắt buộc ở một tương lai không xa khi việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có được sự đồng nhất trên toàn cầu. Đó cũng là thời gian vừa vận hành, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện tổng thể hệ thống thị trường tín chỉ các bon.

Trên thực tế, Việt Nam chưa xác định được nhu cầu mua bán tín chỉ các bon trong nước nên thị trường quốc tế đang là kênh duy nhất để tạo ra thặng dư từ rừng.

Phát triển được diện tích rừng trồng sẽ trực tiếp đem lại nguồn lợi cho chủ rừng thông qua cơ chế trao đổi tín chỉ các bon.  Ảnh: HA.

Phát triển được diện tích rừng trồng sẽ trực tiếp đem lại nguồn lợi cho chủ rừng thông qua cơ chế trao đổi tín chỉ các bon.  Ảnh: HA.

Nguyên tắc không hưởng lợi 2 lần

Một diện tích có thể cung cấp lượng tín chỉ các bon nhiều hơn số lượng người mua cần. Tuy nhiên, để có thể xác định được chính xác lượng các bon mà một diện tích rừng cung cấp được, các bên thẩm định vẫn phải thẩm định giá trị thực tế của cả diện tích rừng này. Việc thẩm định độc lập bởi một bên thứ 3 thường rất tốn kém nhưng lại là yêu cầu bắt buộc mà người mua đặt ra.

Do vậy, để tiết kiệm chi phí này, các quốc gia thường tận dụng luôn kết quả thẩm định sẵn có để bán cho nhiều người mua.

Ví dụ, một diện tích rừng có thể được thẩm định cung ứng được 20 triệu tấn các bon nhưng người mua chỉ có đơn hàng 6 triệu tấn thì cùng lúc đó bên bán phải tìm người mua cho 14 triệu tấn còn lại. Số hàng còn lại này đã được thẩm định nên sẽ tiết kiệm được chi phí cho các bên mà vẫn tăng nguồn thu.

Theo quy định, thị trường các bon quốc tế đòi hỏi bên bán phải cung cấp nhiều dữ liệu. Việt Nam cơ bản mới chỉ có các thông số về diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường, số người sử dụng và sản xuất ở rừng và số người hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Bài học từ Brazil hay Costa Rica cho thấy, để tham gia đầy đủ và thị trường quốc tế, Việt Nam cần bổ sung các thông tin như: Trữ lượng các bon tạo ra hoặc hấp thụ, diện tích nào do ai chi trả và đã chi trả được bao nhiêu, số xê-ri đã được cấp cho tín chỉ các bon tạo ra từ diện tích rừng này, số lượng tín chỉ các bon đã được cấp và bán cho ai cũng như số lượng các bon tiềm năng và số lượng có thể giao dịch trên thị trường quốc tế và nội địa.

Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu không chỉ giúp Việt Nam mà trực tiếp là các địa phương có trữ lượng tín chỉ các bon phân bổ được hạn mức bán mà tạo được sự minh bạch thị trường rất quan trọng khi giao dịch quốc tế, triệt tiêu được việc báo cáo và hưởng lợi 2 lần của các bên liên quan. Không những thế, dữ liệu cụ thể và chính xác còn giúp được bên bán quyết định bán cho ai, bán lúc nào sẽ được hưởng lợi cao hơn.

Phát triển được diện tích rừng trồng sẽ trực tiếp đem lại nguồn lợi cho chủ rừng thông qua cơ chế trao đổi tín chỉ các bon.  Ảnh: HA.

Phát triển được diện tích rừng trồng sẽ trực tiếp đem lại nguồn lợi cho chủ rừng thông qua cơ chế trao đổi tín chỉ các bon.  Ảnh: HA.

Theo đánh giá của GS.TS Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), tiềm năng và cơ hội để Việt Nam tham gia vào thị trường tín chỉ các bon quốc tế là rất lớn, do vậy chúng ta cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế để thu lợi từ nguồn tài nguyên này, tránh lãng phí.

Bán quốc tế trước, rút kinh nghiệm cho thị trường nội địa

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thí điểm 3 thỏa thuận lớn “bán” tín chỉ các bon ra thị trường quốc tế.

Đầu tiên là Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải ký với Quỹ Đối tác Các bon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng 10/2020, thời gian thực hiện đến năm 2025. Theo thỏa thuận, Việt Nam có trách nhiệm giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 trên diện tích 5,1 triệu ha (trong đó có 3,1 triệu ha là rừng) ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ và nhận khoản tài chính 51,5 triệu USD.

“Thỏa thuận là sự khởi đầu quan trọng, giúp Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện lộ trình giảm phát thải rừng trên quy mô lớn. Từ đó, Việt Nam cũng có thể khuyến khích các hành động bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng ở các khu vực khác”, Giám đốc quốc gia WB Carolyn Turk đánh giá.

Nhận xét về thỏa thuận với Quỹ Đối tác Các bon trong lâm nghiệp, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT thời điểm đó là ông Hà Công Tuấn cho biết, “chương trình giảm phát thải của Việt Nam sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung quan trọng để đầu tư vào rừng và giảm mất rừng, trong khi vẫn tạo ra thu nhập cho các chủ rừng và nâng cao phát triển bền vững khu vực Bắc Trung bộ. Đây là bước tiếp theo của giai đoạn chuẩn bị để Việt Nam sẵn sàng tham gia vào thỏa thuận chi trả giảm phát thải, tiến tới triển khai toàn diện dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam”.

Thứ hai là Ý định thư được ký kết giữa Bộ NN-PTNT với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan - thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Scotland (Vương quốc Anh) cuối tháng 10 vừa qua.

Ý định thư cho phép Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn các bon giảm phát thải từ 4,26 triệu ha rừng tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026. LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này tổng giá trị 51,5 triệu USD.

Trước đó ít tháng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Nam trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng tín chỉ xuất khẩu dự kiến là 5,2 triệu, riêng năm 2021 thực hiện 1,2 triệu tấn các bon. Quảng Nam đã hoàn tất các thủ tục lập dự án đấu thầu quốc tế. Theo thông tin mới nhất, hiện có 5 doanh nghiệp nước ngoài đã liên hệ thăm dò cơ hội đầu tư mua tín chỉ các bon của Quảng Nam.

Thông lệ quốc tế cho thấy, để hình thành thị trường các bon nội địa thường có 3 hình thức gồm áp thuế các bon, cơ chế thương mại phát thải dựa vào việc cấp hạn mức phát thải cho các ngành và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việt Nam đang thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần sớm triển khai đủ cả 2 hình thức còn lại để thuận lợi khi hòa nhập đầy đủ vào thị trường các bon quốc tế, dễ dàng hơn khi giao dịch tín chỉ các bon, không phân biệt tính chất thị trường.

Phát triển được diện tích rừng trồng sẽ trực tiếp đem lại nguồn lợi cho chủ rừng thông qua cơ chế trao đổi tín chỉ các bon.  Ảnh: HA.

Phát triển được diện tích rừng trồng sẽ trực tiếp đem lại nguồn lợi cho chủ rừng thông qua cơ chế trao đổi tín chỉ các bon.  Ảnh: HA.

57 triệu tín chỉ các bon/năm

Theo Bộ NN-PTNT, mỗi năm Việt Nam có thể bán 57 triệu tín chỉ các bon cho các tổ chức quốc tế. Nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm ngân sách có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Đây được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác thì sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.

Trữ lượng rừng năm 2020 là khoảng 990 triệu m3 và dự kiến 10 năm tới con số này tăng lên 1.250 triệu m3. Tuy nhiên để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ các bon rừng, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý để hình thành thị trường các bon trong và ngoài nước.

Thục An

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.