Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đe dọa nhấn chìm hàng chục quốc gia châu Á thì việc Singapore đi học hỏi kinh nghiệm là dễ hiểu vào lúc này.
Hệ thống đê Delta Works nhìn từ trên cao |
Hà Lan lâu nay vẫn được coi là quốc gia số một trong việc thiết kế các hệ thống đê kè chắn sóng biển, bảo vệ được thành quả lao động sáng tạo của hàng chục triệu người dân trong suốt 66 năm qua.
Cú sốc lịch sử
Thảm họa quốc gia bắt đầu xảy ra trong đêm 31/1/1953. Một trận bão rất mạnh từ Biển Bắc ập vào đánh vỡ con đê bảo vệ toàn bộ phía nam của nước này. Nước biển tràn ngập vào các thành phố duyên hải có địa hình thấp trũng và cuốn đi hầu như tất cả do người dân hoàn toàn bất ngờ với thiên tai. Ngay sau đó lại xuất hiện một cơn bão thứ hai đổ vào vùng này, gây ra trận lụt lịch sử làm chết gần 2.000 người.
Anh Arno Vloet là người sinh ra sau thảm họa thiên nhiên này 11 năm nhưng đến bây giờ vẫn nhớ như in những câu chuyện được người chú của mình (một quân nhân tham gia chiến dịch giải cứu hồi đó) kể lại.
“Quân đội đã triển khai rất nhiều thuyền, bao cát và cố gắng giải cứu người dân. Nhiều người phải chờ đợi sự giúp đỡ trên mái nhà của họ nhưng người chết rất nhiều. Chúng tôi đã được học về thảm họa quốc gia này ở trường. Đối với một đất nước nhỏ bé như chúng tôi thì đây là một phần của lịch sử. Nó cũng giống như Thế chiến II vậy”, vị doanh nhân 55 tuổi nói với CNA.
Hệ thống đê Oosterscheldekering |
Hà Lan được bao quanh bởi một phần của Biển Bắc và là nơi hợp lưu của ba con sông lớn ở châu Âu gồm sông Rhine, Meuse và Scheldt nên lãnh thổ đất nước này có tới 2/3 diện tích dễ bị ngập lụt.
Trải qua nhiều thế kỷ, người Hà Lan đã xây dựng các hệ thống đê, kè, kênh, cối xay gió và máy bơm để điều tiết nguồn nước. Đây là cách lấn biển hiệu quả tại những bãi bồi trước đó vốn nằm dưới mực nước biển làm nơi sinh sống và sản xuất.
“Tuy nhiên trận thiên tai năm 1953 như là một hồi chuông cảnh tỉnh do chủ quan bởi hệ thống đê bao chưa hoàn thiện cũng như việc bảo trì không tốt”, chuyên gia Tjitte Nauta thuộc Viện nghiên cứu nước Hà Lan Deltares cho biết.
Đầu tư cho tương lai
Sau đó, đất nước đã đầu tư hàng chục tỷ euro để đối phó và phòng ngừa lũ lụt trong nhiều thập kỷ liên tiếp để có được thành quả như hiện nay là quốc gia có tới gần 70% năng suất được tạo ra từ những nơi thấp hơn mực nước biển và hầu như không bao giờ còn bị lũ lụt.
Thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống phòng thủ, được ví như pháo đài ngăn lũ Delta Works với 3 chốt chặn, 6 đập và 4 hàng rào ngăn lũ khổng lồ được dựng ở phía tây nam đất nước từ năm 1954 đến 1997. Hệ thống này vận hành theo cơ chế van tự động đóng mở khi gặp các tình huống nước biển đột ngột dâng cao và có thể di chuyển được.
Đập Detal Works đang vận hành |
Ngoài ra, tuyến ngăn lũ phía sau của Delta Works đã vận hành rất tốt là Maeslantkering hay Maeslant Barrier, có thể chống chịu được cột sóng bão cao 5 m và là tuyến phòng thủ đầu tiên cho thành phố Rotterdam.
Tuy nhiên, khủng nhất vẫn là tuyến đập lớn Oosterscheldekering dài 9 km với hệ thống phòng thủ hiện đại, chặn lũ hiệu quả ngay từ khi mực nước biển dâng trên 3 m. Theo Bộ trưởng Hạ tầng và quản lý nước Cora van Nieuwenhuizen hệ thống này được chính phủ chi tới 7,4 tỷ euro để hoàn thành.
“Nếu bạn nhận ra rằng, hai phần ba đất nước chúng tôi ở dưới mực nước biển và một phần ba còn lại thuộc diện rủi ro cao bởi lũ lụt, thì bạn sẽ hiểu ngay là tại sao nó luôn thường trực trong tâm trí. Kể từ sau biến cố năm 1953, chúng tôi đã chi rất nhiều tiền và đảm bảo rằng, chúng tôi không nản lòng trước thiên tai”, bà Cora nói. |
Những thành tựu đó đã mở đường cho một dự án quốc gia thứ hai của đất nước vào năm 2008 - đó là dự án đảo ngược những gì truyền thống từ nhiều thế kỷ trước đây. Nó được ví là “Room for the River”, tức là không lấn biển nữa mà tập trung vào di dời các con đê và hạ thấp miền đồng bằng dọc theo các con sông tại 30 điểm xuyên khắp quốc gia.
Detal Works được ví là kỳ quan thời hiện đại |
“Trước những nguy cơ của biến đổi khí hậu, cụ thể là lũ lụt gây ra từ các con sông đang ngày càng một tồi tệ hơn và chúng tôi không muốn chống lại điều đó bằng cách chỉ xây dựng những con đê cao hơn. Hiện chúng tôi xác định nương theo dòng chảy và tạo ra nhiều không gian hơn dọc theo các con sông, để khi nước lên mà không ảnh hưởng gì”, Bộ trưởng Cora van Nieuwenhuizen cho biết.
Dự án “tái định cư” này ngốn hết 2,1 tỷ euro hoàn thành vào năm 2016, di chuyển đê hướng lên lên phía bắc thêm 350 m để nhường chỗ cho một kênh đào dài 3,5 km mới và một hòn đảo nhân tạo tên là Veurlent nay đã trở thành một khu vực dân cư phức hợp rất phát triển.
“Đây là giải pháp mới mà chúng tôi có được qua trải nghiệm. Nó không chỉ đơn thuần là chống chọi với thiên tai và nước lũ, mà còn tận dụng và chung sống với nó”, Bộ trưởng Cora nói.
Hệ thống đê kè ngăn lũ hiệu quả giúp Hà Lan phát triển vượt bậc |
Dự án Room for the River này còn giúp chuyển đổi tạo ra một hệ sinh thái cùng nhiều sáng kiến mới như tạo lập được hệ đầm lầy đước ở vùng đệm chắn sóng hay dự án thí điểm “Động cơ cát” trị giá 70 triệu euro với dung tích 21,5 triệu m3 cát dọc theo bờ biển phía nam, tạo ra một bãi biển 35 ha mới như một tuyến phòng thủ từ xa cho bờ biển.