Nhằm phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, ngành văn học dân gian nhiều năm qua được đầu tư rất nhiều kinh phí từ ngân sách. Thế nhưng, kết quả gặt hái được từ quá trình sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian vẫn còn nhiều điều đáng băn khoăn, mà đáng lo ngại nhất là sự cẩu thả từ phía những nhà khoa học!
Chẳng đặng đừng, mới đây nhà thơ Trần Đăng Khoa đã phải lên tiếng phản đối nhóm biên soạn “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam”. Đây là một công trình khoa học được Viện Văn học bảo đảm tư cách pháp nhân, nhưng khiến cho thần đồng thơ nước ta phải kêu trời: “Tôi đã tá hỏa vì không hiểu sao một tác phẩm của mình, là văn học viết, văn học hiện đại, một sáng tạo hoàn toàn cá nhân, trường ca “Đi đánh Thần Hạn” lại bị PGS. TS Nguyễn Thị Huế và cộng sự vơ quàng vơ xiên, rồi nhét bừa vào cái bị có cái tên rất khoa học là sáng tác tập thể của dân gian, đã từ lâu lưu truyền ở tỉnh Bạc Liêu, nằm trong kho tàng dân gian riêng của tỉnh Bạc Liêu vô cùng xa xôi mà lúc sáng tác truyện này, năm tôi mới 11 tuổi, tôi chưa từng được nghe, rồi úm ba la thế nào, nó lại được “phổ biến rất nhiều ở các tỉnh phía Nam”. Thật hài hước!”
Dù không phải tác phẩm tiêu biểu nhất của Trần Đăng Khoa, nhưng hầu như công chúng văn học đều biết Trường ca “Đi đánh Thần Hạn” được in lần đầu tiên vào năm 1970, và đến nay đã tái bản nhiều lần.
Để biện minh cho bản thân và các đồng nghiệp, chủ biên cuốn “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam” giải thích rằng, nguồn tư liệu mà họ sử dụng là cuốn “Văn học dân gian Bạc Liêu” do PGS. Chu Xuân Diên chủ biên, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2005.
Quả bóng trách nhiệm đá sang người khác, và người liên quan lại… vòng vo trình bày rằng cuốn “Văn học dân gian Bạc Liêu” do Khoa Ngữ văn và Báo chí Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh thực hiện, là kết quả của các đợt sưu tầm với 34 lượt giảng viên và 474 lượt sinh viên trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Như một cách vớt vát uy tín, chủ biên cuốn “Văn học dân gian Bạc Liêu” đành hạ giọng: “Chúng tôi xin lỗi nhà thơ Trần Đăng Khoa vì đã không nhận ra câu chuyện giống với tác phẩm trường ca của anh. Thiếu sót của chúng tôi khi sưu tầm và soạn sách là không thể đọc hết tác phẩm văn học viết của tất cả các nhà văn, nhà thơ để đối chiếu được với các câu thơ và truyện mà người dân kể cho chúng tôi”.
Từ câu chuyện Trường ca “Đi đánh Thần Hạn” bị biến thành văn học dân gian, một lần nữa cảnh báo cách làm tùy tiện của các công trình sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian. Không hề vơ đũa cả nắm, nhưng không ít đoàn sưu tầm thay vì bỏ công bỏ sức lặn lội vào đời sống để đãi cát tìm vàng thì họ… tự sáng tác hoặc sao chép tác phẩm nào đó rồi “dãn nhãn” văn học dân gian. Chẳng trách nhiều tác phẩm văn học dân gian cứ na ná nhau, truyện của người miền núi vẫn nhang nhác truyện của người miền biển, truyện của người miền Bắc như có giọng điệu y chang người miền Nam!
Với thực trang sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian như hiện nay, không biết bao giờ mới xuất hiện những nhà khoa học uy tín như Phan Kế Bính, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đổng Chi…?