| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 22/01/2021 , 07:19 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 07:19 - 22/01/2021

Sao không truy tố kẻ bỏ tiền ra mua chức?

Cùng với sự bức xúc trước việc mua bán chức vụ, dư luận còn đặt câu hỏi: vì sao công an không khởi tố kẻ bỏ tiền mua chức là bà H?

VKSND thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can Cù Đăng Thành, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học thuộc Đại học Phòng cháy chữa cháy và Lê Văn Hồng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu sách và học liệu giáo dục.

Hai bị cáo này bị buộc tội lừa chạy chức vụ phó vụ quan hệ quốc tế thuộc một một bộ, với chi phí 27,7 tỷ đồng, khiến dư luận xã hội xôn xao. Đây đích thực là một vụ mua bán chức vụ, một hành vi mà Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lên án, và thể hiện quyết tâm loại bỏ đến cùng.

Người bỏ ra số tiền khổng lồ để mua chức vụ phó nói trên là bà Phạm Thị Phương H (SN 1968, ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Cùng với sự bức xúc trước việc mua bán chức vụ của 2 bị can trên, dư luận còn đặt câu hỏi: vì sao công an không khởi tố, VKSND không truy tố kẻ bỏ tiền mua chức là bà H? Bởi thứ nhất, có cầu thì mới có cung. Không có việc bà H. thèm khát chức vụ phó, chủ động “nhờ cậy”, thì 2 bị can trên làm sao có thể lừa được? Thứ hai, đã mua bán, tức là kinh doanh. Mà kinh doanh, thì người mua phải có sự khảo sát mặt bằng giá cả của cái “thị trường” quan chức trước khi xuống tiền. Hơn thế nữa, đã kinh doanh, thì người ta phải đặt mục đích lợi nhuận lên hàng đầu. Phải làm sao để “lần đầu hòa vốn, còn sau thì lời" (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Chỉ khi nắm chắc khả năng sinh lời, thì người mua vào mới quyết.

Chức Vụ phó chỉ là một ghế “tép riu” trong một cơ quan Bộ, lương tháng chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Kể cả thưởng tết, thì mỗi năm một Vụ phó chỉ được 130 triệu, 10 năm được 1,3 tỷ. Bỏ ra những 27,7 tỷ, thì để thu hồi được số vốn đó, phải mất trên 200 năm. Liệu có ai dại dột mà bỏ số tiền khổng lồ ấy ra để rồi kẽo kẹt hơn 2 thế kỷ mới thu lại được? Bà H. sinh năm 1968, tức năm nay đã 53 tuổi. Vì không thuộc diện “cán bộ đặc biệt” nên theo đúng quy định, vài ba năm nữa bà sẽ phải về hưu. Vậy với vài ba năm công tác còn lại đó, làm thế nào bà ta không những thu hồi đủ số tiền 27,7 tỷ tiền vốn đã bỏ ra đó mà lại còn có lãi nữa?

Trong vụ án này, hành vi của bà Phạm Thị Phương H. đã cấu thành tội “đưa hối lộ” được quy định tại điều 364 BLHS năm 2015. Nhưng vì sao công an không khởi tố bị can đối với bà này để điều tra? Còn 2 bị can Cù Đăng Thành và Lê Văn Hồng, chỉ truy tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liệu đã thỏa đảng chưa, hay còn thêm cả hành vi “nhận hối lộ” nữa?