Theo đó, những người có nghĩa vụ kê khai tài sản theo ngạch công chức gồm chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm sát viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm toán viên, kiểm tra viên của đảng, kiểm tra viên hải quan, thuế, thanh tra viên, thẩm phán.
Những người giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên, người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Nghị định cũng quy định việc công khai các bản kê khai tài sản của người đang giữ chức vụ và cả những người dự kiến được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị hoặc các doanh nghiệp nhà nước. Nếu người có nghĩa vụ kê khai nhưng không trung thực, tẩu tán, che giấu tài sản, thì sẽ tùy mức độ mà xử lý, nặng nhất là buộc thôi việc.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: những tài sản nào thì người ta mới che giấu hoặc tẩu tán? Ngay cả những biệt phủ khổng lồ, trị giá hàng chục tỷ của quan chức được xây lên nhờ “buôn chổi chít”, “chạy xe ôm” hay “làm thêm” mà người ta cũng chẳng thèm che giấu hay tẩu tán, vẫn bày chúng lù lù trước mắt bàn dân thiên hạ như những lời thách thức đầy ngang ngược, còn chủ nhân của chúng thì vẫn đều đều thăng tiến để tiếp tục “buôn chổi chít”.
Vậy thì những tài sản khiến quan chức phải che giấu hay tẩu tán, giá trị của chúng phải cao gấp rất nhiều lần những biệt phủ kia.
Thế nên xưa nay, việc kê khai tài sản của cán bộ công chức thường chỉ được làm để cho có. Những bản kê khai tài sản, thu nhập được chất cao như núi, trong cả triệu trường hợp phải kê khai, may ra chỉ có một hai trường hợp là thiếu trung thực. Còn lại, tất cả đều đẹp long lanh.
Chủ nhân của những bản kê khai đó đều có cuộc sống hết sức thanh bạch, lành mạnh, ngoài lương ra họ chẳng còn nguồn thu nào khác, trong khi nói như nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Khiêm thì “thu nhập thực tế của một ông bộ trưởng cao gấp nghìn lần lương”. Trước những thông tin ấy, người dân chỉ còn biết cười buồn.
Thôi thì trong cả triệu trường hợp phải kê khai, mà vớ được một vài anh che giấu, tẩu tán tài sản, cũng còn hơn là chẳng vớ được anh nào. Nhưng, vớ được rồi, sao lại chỉ buộc thôi việc? Tài sản, thu nhập đã phải mang che giấu, tẩu tán, thì chắc chắn là tài sản bất minh.
Đã là tài sản bất minh thì phải xem xét, với tài sản tham nhũng mà có thì phải tịch thu, trả lại cho “khổ chủ” bị chiếm đoạt là nhà nước, còn chủ nhân của những tài sản ấy thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ sao lại chỉ bị buộc thôi việc.
Chỉ buộc thôi việc khó lòng làm cho ai sợ, vì lại về “làm người tử tế”, sau khi tài sản vơ vét được đã đủ ăn đời đời.