| Hotline: 0983.970.780

Sắp xếp lại thời vụ trước tình hình mới

Thứ Năm 02/04/2020 , 08:15 (GMT+7)

Do nhiều nguyên nhân, hạn mặn nghiêm trọng sẽ xuất hiện ở ĐBSCL một cách thường xuyên hơn. Làm gì để ổn định được sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL trong tình hình mới?

Thạc sỹ Lê Thanh Tùng. Ảnh: Thanh Sơn.

Thạc sỹ Lê Thanh Tùng. Ảnh: Thanh Sơn.

Báo NNVN đã trao đổi với Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt quanh vấn đề nói trên.

Thưa ông, đến thời điểm này, có thể nói, chúng ta đã thành công trong việc bảo vệ vụ đông xuân ở ĐBSCL. Tuy nhiên, với những dự báo về việc hạn mặn nghiêm trọng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, trong thời gian tới, chúng ta cần phải có kế hoạch như thế nào để luôn chủ động bảo vệ được sản xuất lúa ở ĐBSCL một cách lâu dài?

Sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện gồm 4 vụ chính là đông xuân, hè thu, thu đông và mùa. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm của cả 4 vụ này là 4 - 4,1 triệu ha.

Nếu muốn giữ nguyên tổng diện tích gieo trồng, giữ sản lượng lúa mà vẫn đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn, lũ.. thì phải cân đối, sắp xếp lại thời vụ của các vụ đông xuân, hè thu và thu đông. Đây là một bài toán khó nhưng không thể không thực hiện được.

ĐBSCL được chia làm 3 vùng là vùng thượng, vùng giữa và vùng hạ. Theo tôi, về lịch thời vụ, cần tập trung thay đổi thời gian xuống giống ở vùng hạ và vùng thượng.

Cụ thể, ở vùng hạ (ven biển), vụ đông xuân cần đẩy thời gian xuống giống lên sớm hơn, đồng thời sử dụng giống ngắn ngày để né hạn mặn cuối vụ; vụ hè thu thì đợi khi có nước ngọt mới xuống giống để tránh bị thiệt hại đầu vụ do hạn mặn. Ở vùng thượng, vụ hè thu cần xuống giống sớm hơn, để vụ thu đông ở vùng này cũng được xuống giống sớm nhằm né lũ cuối vụ. Còn ở vùng giữa, vẫn thực hiện sản xuất 3 vụ như bình thường.

Về diện tích sản xuất từng vụ, vụ hè thu hiện có diện tích gieo trồng hàng năm là 1,6 triệu ha, vụ thu đông từ 700 - 750 ngàn ha. 2 vụ này có thể chuyển đổi diện tích cho nhau theo hướng giảm diện tích hè thu ở những khu vực không thuận lợi về nguồn nước đầu vụ hè thu, đồng thời tăng diện tích thu đông. Qua đó sẽ tránh được thiệt hại đầu vụ hè thu bởi hạn mặn.

Về điều chỉnh sản xuất trong từng vụ, vụ thu đông có thể tăng diện tích ở vùng thượng, vùng giữa và giảm diện tích ở vùng hạ. Việc giảm diện tích thu đông ở vùng hạ sẽ giúp cho việc xuống giống lúa đông xuân ở vùng hạ được đẩy lên sớm hơn như đã nói ở trên nhằm né hạn mặn cuối vụ.

Ở một số vùng ven biển, hiện vẫn đang sản xuất 3 vụ lúa như vùng Gò Công (Tiền Giang), một số nơi tại Trà Vinh…, cần giảm diện tích vụ hè thu để xuống giống thu đông sớm, qua đó có thể bố trí vụ đông xuân xuống giống sớm hơn.

Nếu muốn giảm tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm nhằm đảm bảo sản xuất an toàn hơn trước nguy cơ thiên tai, thì từ 4 - 4,1 triệu ha hiện nay, có thể giảm xuống còn 3,8 - 3,9 triệu ha, bằng cách cắt giảm bớt vụ lúa ở một số vùng đang sản xuất 3 vụ, nhưng nguồn nước không thật thuận lợi cho sản xuất 3 vụ an toàn.

Việc giảm bớt diện tích như trên sẽ không ảnh hưởng mấy tới sản lượng, thu nhập từ sản xuất lúa của nông dân, bởi khi giảm đi một vụ, nông dân hoàn toàn có thể sử dụng các giống lúa dài ngày với chất lượng và năng suất cao hơn, đồng thời đưa các loại cây màu ngắn ngày vào sản xuất trong vụ bị cắt giảm.

Sản xuất các loại cây sinh khối để làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc, là phương án cần được xem xét trong việc chuyển từ 3 vụ lúa sang 2 lúa – 1 màu ở một số vùng thuộc ĐBSCL, nhất là khi chăn nuôi đại gia súc phát triển trên địa bàn.

Khoảng 200 ngàn ha đang sản xuất lúa – tôm ở vùng ven biển ĐBSCL, nếu nâng cấp toàn bộ lên thành sản xuất lúa hữu cơ và tôm hữu cơ, thì giá trị tăng thêm từ diện tích này hoàn toàn bù đắp được cho giá trị giảm đi từ sản lượng lúa bị giảm do giàm diện tích gieo trồng từ 4 - 4,1 triệu ha xuống còn 3,8 - 3,9 triệu ha.

Về lâu dài, hoàn toàn có thể giảm tổng diện tích gieo trồng lúa trong năm ở ĐBSCL xuống còn 3,5 triệu ha mà vẫn đảm bảo yêu cầu an ninh lương thực. Nhưng giảm diện tích với mục đích gì thì cần phải có những nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL hiện tập trung ở 30 huyện có diện tích lớn thuộc vùng thượng và vùng giữa của đồng bằng. Do đó, cần đẩy mạnh cải thiện chất lượng lúa gạo ở những huyện này bằng các giải pháp như thay đổi cơ cấu giống, sản xuất theo VietGAP…

Một loại cây trồng chủ lực khác ở ĐBSCL là cây ăn trái. Về lâu dài, cần làm gì để bảo vệ được sản xuất cây ăn trái trong khu vực trước sự uy hiếp thường xuyên hơn của hạn mặn?

Hiện nay, ở ĐBSCL, diện tích cây ăn trái lớn, chủng loại đa dạng, nhưng lại rất manh mún, không được canh tác đồng bộ.

Do đó, với cây ăn trái, trước hết phải quản lý được vùng trồng. Để làm được điều này, các địa phương phải nắm được diện tích, năng suất, sản lượng của những loại cây ăn trái chủ lực và định vị được trên bản đồ. Sau khi đã quản lý được các vùng trồng tập trung, thì tác động bằng các yếu tố kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất cây ăn trái.

Để hạn chế tình trạng dư thừa trái cây khiến phải giải cứu trong một thời điểm nào đó, biện pháp rải vụ đã được thực hiện và mang lại hiệu quả ở ĐSBCL.

Tuy nhiên, rải vụ không thể chỉ dừng lại trong phạm vi ĐBSCL mà phải gắn với rải vụ trong sản xuất cây ăn trái trên toàn Miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào) và gắn cả với thời vụ sản xuất cây ăn trái ở các nước trong khu vực.

Ông Lê Thanh Tùng: Ngoài đẩy mạnh sản xuất các loại cây ăn trái chủ lực có diện tích, sản lượng lớn, cần phát huy một số loại ăn ăn trái đặc sản ở ĐBSCL như măng cụt, cherry, quýt tiều, thanh trà... Những loại cây này tuy diện tích không nhiều nhưng có giá trị cao.

Bên cạnh đó, sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL ngoài các yêu cầu về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, còn phải hướng tới các yêu cầu sinh thái nhằm kết với với các loại hình văn hóa, du lịch để nâng cao giá trị của trái cây đồng bằng.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất cây ăn trái, bởi đây là yếu tố sống còn với sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL trong bối cảnh các nước nhập khẩu và thị trường nội địa ngày càng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm.

Cuối cùng là cải tạo từng bước các vườn cây ăn trái ở những khu vực trồng tập trung để hình thành các vùng chuyên canh nhằm đảm bảo cho từng loại trái cây chủ lực đáp ứng 3 yếu tố: Sản phẩm đồng đều về kích thước, màu sắc, chất lượng…; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sản lượng đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ ở từng thời điểm.

Với tình hình hạn mặn nghiêm trọng được dự báo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, điều quan trọng hiện nay là phải có chiến lược tích trữ nước cho sản xuất cây ăn trái một cách lâu dài. Bởi cây lúa có thể thay đổi lịch thời vụ để né hạn mặn, nhưng cây ăn trái thì không.

Vì thế ở các vùng trồng cây ăn trái, phải sớm đưa ra được những biện pháp trữ nước tối đa và giải pháp tưới tiết kiệm thật hiệu quả, có tác dụng lâu dài, với giá thành mà nông dân dễ dàng tiếp cận được.

Ở Miền Trung, hiện đã có mô hình tưới tiết kiệm trong vườn cây ăn trái với chi phí ban đầu chỉ từ 10 - 15 triệu đồng/ha, sử dụng 4 năm mới phải thay. Đó là giàn tưới có thể cuốn lại, khi nào tưới mới rải ra.

Mô hình này đã cho hiệu quả tốt trên thực tế, nên có thể nghiên cứu, xem xét áp dụng vào các nhà vườn ở ĐBSCL.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hạn mặn đe dọa thường xuyên, cần sớm có những nghiên cứu về thời gian tưới, liều lượng tưới mỗi vụ cho cây ăn trái ở ĐBSCL để làm sao có thể tưới tiết kiệm nhất mà vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất