| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng tác dụng ngược khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu

Thứ Hai 25/11/2024 , 18:39 (GMT+7)

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trước khi ban hành một chính sách mới, cơ quan soạn thảo cần tham vấn thêm các bên liên quan nếu còn ý kiến trái chiều.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính). Ảnh: Bảo Thắng.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính). Ảnh: Bảo Thắng.

Chia sẻ bên lề Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, khi ban hành các quy định về rượu, bia, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần đáp ứng 3 yêu cầu. Đó là, giảm tiêu dùng, tăng nguồn thu ngân sách và đảm bảo công bằng, hài hòa trong việc đóng thuế, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước.

Chi tiết từng nội dung, vị chuyên gia kinh tế chỉ ra, rằng trước khi thảo luận Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Covid-19 bùng phát, hoặc Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt giao thông đã hạn chế đáng kể mức tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam.

Vào năm 2020, ngay sau khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống, mức tiêu thụ rượu bia giảm 25%. Nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống ghi nhận sự sụt giảm đáng kể doanh thu từ đó đến nay.

Về thu ngân sách, ông Long đánh giá trong dài hạn rằng, tăng thuế sẽ khiến nhu cầu của người dân giảm, dẫn tới sản lượng giảm, nhập khẩu giảm. Từ đó, thu ngân sách giảm. 

Ngoài ra, tính công bằng trong nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân chưa được bảo đảm. Bởi thị trường còn rất nhiều bia rượu lưu hành không chính thức, có thể gây thất thu. Đồng thời, đưa người dân đến lựa chọn tiêu thụ các sản phẩm rẻ hơn.

"Đa số ý kiến đều thống nhất là cần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, phải xác định mức độ và lộ trình phù hợp. Cùng với đó, là làm rõ mục tiêu của việc điều chỉnh là gì, tác động đến kinh tế - xã hội ra sao. Nếu còn ý kiến trái chiều, cơ quan soạn thảo nên tham vấn thêm nhiều ý kiến, đặc biệt là từ các kênh thông tin, truyền thông", ông Long chia sẻ.

Hội thảo Công bố 'Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia'. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội thảo Công bố 'Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia'. Ảnh: Bảo Thắng.

Làm rõ hơn ý kiến của PGS.TS Ngô Trí Long, trong Báo cáo Đánh giá tác động của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, cả 2 phương án Bộ Tài chính trình Quốc hội đều làm giảm giá trị tăng thêm của ngành bia, với mức giảm lần lượt là hơn 44.000 tỷ và gần 62.000 tỷ đồng.

Nếu lấy kịch bản tăng trưởng mục tiêu của nền kinh tế là 6,5%, trong điều kiện bình thường, tăng thuế với bia khiến GDP trong 2 phương án giảm hơn 14.000 tỷ và 32.000 tỷ đồng. Đồng thời, GDP cả nước giảm tương ứng 0,03% và 0,08%.

Ngành bia nằm trong chuỗi liên kết với khoảng 21 ngành, nghề và hàng triệu lao động. Do đó, khi bia bị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã dự báo cả chuỗi sẽ bị sụt giảm tổng giá trị tăng thêm là 10.000 tỷ và 13.500 tỷ đồng.

"Thuế gián thu có thể tăng trong ngắn hạn, nhưng thuế trực thu lại giảm", bà Thảo phân tích và nhấn mạnh, rằng chu kỳ sản xuất của ngành bia là ngắn hạ. Ở các chu kỳ sản xuất trong trung và dài hạn, sản xuất của ngành bia và 21 ngành trong quan hệ liên ngành bị thu hẹp, dẫn tới nguồn thu ngân sách giảm.

Ngoài 2 phương án trên, tháng 7/2024, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính, đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027, đồng thời tăng thuế ở mức 5% với lộ trình 2 năm 1 lần, đến 80% vào năm 2031 để phù hợp với bối cảnh kinh tế.

Đánh giá thêm về phương án thứ 3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam và Tổng cục Thống kê đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án 3.

Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra, là: Đạt được sự hài hòa hơn về các mục tiêu; Ảnh hưởng tới nền kinh tế ít nhất (giảm GDP khoảng 7.000 tỷ đồng); ít gây tổn thương tới người lao động hơn. Từ đó, đại diện nhóm chuyên gia, bà Thảo kiến nghị Chính phủ hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong thời gian này, tránh tạo ra những cú "sốc kép".

Nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống vẫn đang chật vật vượt qua cú sốc từ Covid-19. Ảnh: Quốc Nhật.

Nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống vẫn đang chật vật vượt qua cú sốc từ Covid-19. Ảnh: Quốc Nhật.

Quốc hội đang thảo luật, cho ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lấy làm tiếc, vì phương án 3 không kịp đưa lên bàn nghị sự tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, bởi phương án 2 tăng thuế lên quá cao, còn phương án 1 có lộ trình chưa thật phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

"Cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu, xem xét giãn lộ trình tăng thuế thành 2, 3 năm thay vì 1 năm như dự thảo. Ngoài ra, chúng ta còn nhiều biện pháp khác như kết hợp tăng thuế với xử phạt hành chính, giúp hài hòa lợi ích cho các bên và đảm bảo sức khỏe cộng đồng, môi trường", bà Cúc bày tỏ.

Chung quan điểm, TS Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đánh giá cao bản báo cáo của nhóm nghiên cứu. Ông cho rằng, báo cáo đã làm tốt công tác dự báo, điều mà một số văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu khi đánh giá tác động trong tương lai.

Ông Khải cũng nhất trí với ý kiến của bà Cúc, về lộ trình đánh thuế linh hoạt, thay vì "bó cứng" theo từng năm như dự thảo. "Luật sửa đổi có thể chỉ ban hành khung quy định, còn kế hoạch, lộ trình thực hiện Quốc hội có thể giao Chính phủ", ông nói.

Bộ Tài chính hiện trình 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Với rượu từ 20 độ trở lên, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Với rượu dưới 20 độ, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Đối với bia, phương án là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.