Báo cáo nhanh từ Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) về tình hình nguồn nước vùng ĐBSCL vào ngày 29/8 cho thấy, mực nước ghi nhận tại hầu hết các trạm trên lưu vực sông Mekong đều có xu thế giảm và thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dù đang trong thời kỳ giữa mùa mưa.
Cụ thể, mực nước ghi nhận lúc 7h ngày 29/8 tại trạm Chiang Saen, Thái Lan (cách đầu nguồn sông Cửu Long 2.209km) là 2,89m, thấp 3,04m so với trung bình nhiều năm. Còn tại trạm Mukdahan (cách đầu nguồn sông Cửu Long 980km) mực nước là 6,58m, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm thấp hơn 3,20m và thấp hơn năm 2022 là 1,67m; thấp hơn năm 2019 là 1,51m; thấp hơn năm 2015 là 0,67m.
Tại trạm Kratie, Campuchia (cách đầu nguồn sông Cửu Long 310km) mực nước ghi nhận sáng 29/8 là 15,58m. So với cùng kỳ trung bình nhiều năm cũng thấp hơn 3,21m. Thấp hơn năm 2022 khoảng 2,26m; năm 2019 là 2,15m.
Còn tại khu vực biển Hồ, khu vực được xem là hồ chứa nước tự nhiên lớn cho vùng hạ nguồn Mekong đến sáng nay 29/8, dung tích nước đạt 17,74 tỷ m3. So sánh với năm 2022, dung tích này nhỏ hơn 9,48 tỷ m3. Đặc biệt so với trung bình nhiều năm, dung tích biển Hồ đã thiếu hụt trên 12 tỷ m3.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc, tỉnh An Giang biến đổi theo triều và thấp hơn trung bình nhiều năm. Kết quả đo đạc sáng 29/8 tại Tân Châu là 2,05m, so với trung bình nhiều năm thấp hơn 1,29m. Còn tại Châu Đốc, mực nước ở mức 2,08m, cũng thấp hơn so với trung bình nhiều năm 0,81m.
Cùng ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cũng nhận định mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên theo triều, đến ngày 2/9 mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 2,2m và Châu Đốc là 2,1m.
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam dự báo, ở miền Tây có khả năng xuất hiện lũ nhỏ trong đầu và giữa tháng 10. Mùa mưa cũng có thể kết thúc sớm trong cuối tháng 10, sớm hơn gần 1 tháng so với năm trước.
Cơ quan này cũng nhận định, trong mùa khô năm 2024, ít có khả năng xảy ra mưa trái mùa. Dòng chảy mùa khô năm 2023 - 2024 thuộc nhóm năm ít nước. Tuy nhiên, triều cường có khả năng làm tăng nguy cơ mặn xâm nhập sâu và xảy ra gay gắt từ tháng 2 - 5/2024.
Hiện nay, lũ thượng nguồn đang giảm xuống và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tuần này, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều. Tuy nhiên, theo nhận định của các tổ chức trong và ngoài nước, từ nay đến cuối mùa lũ còn xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nguy cơ gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mekong.
Do đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam kiến nghị các địa phương vùng ĐBSCL theo dõi chặt các thông tin dự báo từ các tổ chức như Ủy hội sông Mekong (MRC), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh/thành phố, dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam... để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.
Hiện vùng ĐBSCL có 70 trạm dự báo mực nước, bao gồm 4 trạm trên dòng chính và 66 trạm trong vùng nội đồng. Bao gồm:
Trạm Tân Châu (trên sông Tiền) và Châu Đốc (trên sông Hậu), do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thực hiện dự báo.
Trạm Mỹ Thuận (trên sông Tiền), trạm Cần Thơ (trên sông Hậu) và 66 trạm khu vực nội đồng do Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo, được chia thành 3 vùng: 22 trạm tại vùng thượng, 25 trạm ở vùng giữa và 19 trạm nằm ở vùng ven biển.