| Hotline: 0983.970.780

Sâu bệnh trong đất giảm, nông dân tăng tốc sản xuất vụ đông

Thứ Sáu 18/10/2024 , 06:28 (GMT+7)

HÀ NỘI Lũ qua khiến nguồn sâu bệnh hại trong đất giảm đáng kể, đất được bồi đắp phù sa. Tận dụng lợi thế này, người dân Hà Nội tăng tốc xuống giống rau vụ đông.

Trên khắp các cánh đồng sản xuất rau thuộc huyện Mê Linh (Hà Nội), từ sau đợt lũ lịch sử do bão số 3 tới nay, người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương làm đất, gieo trồng lại diện tích rau màu bị chết do bị ngập, chăm sóc cây non, thu hoạch các diện tích rau ngắn ngày để kịp thời cung ứng cho thị trường khi giá bán đang ở mức tương đối cao.

Thời tiết thuận lợi, sâu bệnh giảm nên lứa rau sau gieo lại sau bão lũ phát triển rất nhanh, hiện đã cho thu hoạch. Ảnh: Trung Quân.

Thời tiết thuận lợi, sâu bệnh giảm nên lứa rau sau gieo lại sau bão lũ phát triển rất nhanh, hiện đã cho thu hoạch. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Dũng (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cho biết, đợt lũ lịch sử do bão số 3 đã làm gia đình mất trắng 1 lứa rau và tốn kém thêm chi phí, công lao động để khôi phục. Tuy nhiên, xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, mang lại thu nhập lớn nhất trong năm, một lứa rau thành công có thể bù đắp được những thiệt hại trước đó nên lũ rút đến đâu gia đình khẩn trương cải tạo đất, đánh luống xuống giống cải ngồng ngắn ngày (25 - 30 ngày được thu) để nhanh có sản phẩm.

Theo bà Dũng, bên cạnh những khó khăn, công tác khôi phục sản xuất vẫn có những tín hiệu tích cực. Đất trồng được bù đắp một lượng phù sa nên khi xuống giống cây sinh trưởng, phát triển rất nhanh, gia đình không cần nhiều công chăm sóc và hầu như không phải dùng đến thuốc BVTV năng suất đạt được vẫn khá cao. Lứa rau xuống giống sau lũ hiện đã cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 9 tạ/sào (sào 360m2). Với giá bán trung bình 7.000 - 10.000 đồng/kg (tùy loại), sau khi trừ chi phí không đáng kể, gia đình đã bắt đầu có lãi.

Ông Nguyễn Văn Thống ở cùng thông Đông Cao cho biết, 5 sào rau của gia đình đang đua nhau vươn mình xanh tốt. Các loại rau ăn lá ngắn ngày cơ bản đã có thể cho thu hoạch, một số loại như cải củ, cải Đông Dư… khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch. Riêng cà chua năm nay xuống giống muộn hơn so với mọi năm, mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển, tuy nhiên càng về cuối năm khi bước vào giai đoạn thu hoạch thời tiết rất dễ chuyển rét đậm, âm u, độ ẩm cao hơn, cây dễ mắc bệnh sương mai nên phải đặc biệt quan tâm ở giai đoạn này.

Nông dân Hà Nội đang tận dụng các yếu tố thuận lợi sau lũ để mở rộng tối đa diện tích sản xuất cây vụ đông. Ảnh: Trung Quân.

Nông dân Hà Nội đang tận dụng các yếu tố thuận lợi sau lũ để mở rộng tối đa diện tích sản xuất cây vụ đông. Ảnh: Trung Quân.

Bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội thông tin, trên cơ sở mục tiêu nâng tổng diện tích sản xuất vụ đông của Thành phố đạt 35.000ha (tăng 3.000 - 4.000ha so với kế hoạch đầu năm), ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương tận dụng các lợi thế mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông, bố trí cây trồng theo nguyên tắc: Vùng đất màu thực hiện đa dạng cây trồng, tăng nhanh hệ số quay vòng cây trồng trên đơn vị diện tích, sản xuất tập trung các cây rau, củ, quả truyền thống như rau ăn lá, cà chua, đậu đỗ... Vùng đất 2 lúa tập trung sản xuất các loại cây hàng hóa phục vụ chế biến.

Bên cạnh đó, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý với từng vùng sản xuất. Cụ thể, vùng sản xuất đậu tương (7 huyện), ngô (10 huyện), khoai tây (10 huyện), khoai lang (4 huyện), lạc (3 huyện), rau tại (6 huyện).

Đồng thời, hướng dẫn nông dân gieo trồng đảm bảo kỹ thuật, khung thời vụ, tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh gây hại để hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời và có hiệu quả...

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đánh giá, việc các diện tích sản xuất rau của Hà Nội bị ngập mặc dù gây thiệt hại lớn cho người dân, tuy nhiên vẫn có mặt tích cực nhất định. Nước ngập đã làm một số mầm sâu bệnh, nguồn sâu hại trong đất được xử lý, khi gieo trồng lứa mới người dân tiết kiệm được chi phí mua thuốc BVTV và công phòng trừ.

Trong vụ đông, bọ nhảy, nhện nhỏ, bệnh sương mai, phấn trắng... là những đối tượng gây hại rau màu cần được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Quân.

Trong vụ đông, bọ nhảy, nhện nhỏ, bệnh sương mai, phấn trắng... là những đối tượng gây hại rau màu cần được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Quân.

Đơn cử như bọ nhảy gây hại trên rau cải. Đây vốn là đối tượng rất khó phòng trừ, tuy nhiên các pha sâu gây hại chủ yếu nằm trong đất, nước ngập lâu ngày đã góp phần tiêu diệt được những pha này.  

Ông Dương cũng lưu ý, trong vụ đông, trên nhóm rau cải đối tượng cần được đặt biệt quan tâm phòng trừ là bọ nhảy. Nhóm cây họ cà (cà chua, khoai tây…) bệnh sương mai và nhện nhỏ gây hại. Nhóm họ bầu bí thường bị bệnh phấn trắng. Nhóm họ cà rốt bệnh tuyến trùng có nguy cơ gây hại. Đối với ngô đông, sâu keo mùa thu vẫn là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.