Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hội Nông dân TP Cần Thơ và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí vừa tổ chức tọa đàm Bác sĩ nông học.
Chương trình thu hút sự tham gia của gần 500 nông dân đến từ 8 quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Sau nhiều năm triển khai, chương trình Bác sĩ nông học đã trở thành diễn đàn kết nối "4 nhà" hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Đây là chương trình tư vấn khuyến nông, bà con tiếp cận trực tiếp với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng, trồng trọt, bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cây trồng, chăn nuôi, thú y. Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn thiết thực cho bà con trong quy trình canh tác nông nghiệp, giải đáp những vướng mắc nông dân gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhìn nhận, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đang đối diện với nhiều khó khăn. Đơn cử như biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn mặn, mưa trái mùa... Bên cạnh đó, công tác thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản vẫn còn hạn chế; trình độ thâm canh trong nông nghiệp chưa cao; cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp còn thiếu…
Chuỗi chương trình Bác sĩ nông học đã đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong quá trình canh tác, tư vấn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với địa phương. Qua đó giúp bà con nông dân phòng, trừ dịch hại, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình cũng góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại buổi tọa đàm tổ chức tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), bà con nông dân đã được các bác sĩ nông học trao đổi, giải đáp nhiều vướng mắc. Trong đó, tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng; cơ chế chính sách giữ vững thị trường Trung Quốc ở mặt hàng trái sầu riêng; cách thức sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả cho cây trồng; biện pháp xử lý để trái dâu Hạ Châu tránh rụng quả; áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp; cách sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp cho cây trồng...
Trước đó, chương trình tọa đàm Bác sĩ nông học đã được tổ chức tại huyện Cờ Đỏ và nhận được sự tham gia nhiệt tình từ phía bà con nông dân. Các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng trao đổi với bà con nông dân các vấn đề liên quan đến thách thức của biến đổi khí hậu và những hệ lụy tác động đến sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, phổ biến đến bà con nông dân một số kiến thức khoa học về nông hóa, thổ nhưỡng vùng hạn hán và ngập mặn; những biện pháp phòng trừ, khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp; tìm hiểu về tập quán sinh hoạt và chu kỳ sinh trưởng của giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác địa phương, cho giá trị kinh tế cao…
TP Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp hơn 110.000ha. Hằng năm, sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn, gần 200.000 tấn trái cây. Trên địa bàn Thành phố hiện có 504 cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ, 44 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản; 45 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Thành phố định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho nông sản, sản phẩm OCOP.