Sầu riêng thành mặt hàng trọng điểm
Sầu riêng hiện là mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu ở Lào Cai. Tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành của tỉnh này, lượng hoa quả tươi xuất khẩu trung bình mỗi ngày hiện khoảng 100 xe thì đến hơn 90 xe là sầu riêng, còn lại là thanh long, chuối, mít, bưởi...
Với thời điểm hiện nay, giá sầu riêng Monthong có giá khoảng 90 nghìn đồng/kg, sầu riêng Ri6 khoảng 60 nghìn đồng/kg thì mỗi xe hàng xuất khẩu có giá trị từ 1,1 - 1,5 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu năm, thời điểm nghịch vụ, giá sầu riêng chạm mức 200 nghìn đồng/kg thì giá trị xuất khẩu của mỗi xe hàng lên tới 3,5 tỷ đồng.
Tại Lào Cai, mặt hàng quả thanh long trước đây chiếm trọn cả về số lượng và giá trị xuất khẩu thì nay mỗi ngày chỉ xuất khẩu vài ba xe. Hiện các chủ hàng đã chọn Lào Cai như là ưu tiên số một để xuất khẩu mặt hàng quả sầu riêng.
Ông Vũ Ngọc Nam, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Nguyên cho hay, lợi thế ở Lào Cai là khi xe chở sầu riêng lên đến cửa khẩu được giao bạn hàng Trung Quốc rất nhanh. Bởi đối với mặt hàng quả sầu riêng, việc chậm trễ 1 - 2 ngày sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp đặc biệt quả để lâu sẽ bị nứt.
"Quả sầu riêng đến giai đoạn chín, không thể sử dụng nhiệt độ lạnh để kéo chậm quá trình quá trình này và khi đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng chất lượng hàng hóa nên thời gian giao được hàng rất quan trọng", ông Vũ Ngọc Nam nhấn mạnh.
Cũng theo người đàn ông này, gần đây Trung Quốc đẩy mạnh kiểm dịch, kiểm tra các chất cấm, đặc biệt là hàm lượng kim loại nặng trên quả sầu riêng. Sau 2 - 3 ngày mới có kết quả, khi đó quả sầu riêng đủ điều kiện mới được nhập khẩu vào nước bạn. Vì vậy, đã có những xe chậm giao hàng, thậm chí bị trả về vì không đảm bảo chất lượng.
Để giảm thiểu rủi ro này, các thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chủ động kiểm tra hàm lượng cadimi trước khi đưa hàng lên Lào Cai. Hiện nay có khoảng 17 điểm có thể kiểm tra hàm lượng cadimi trên quả. Các điểm kiểm tra này ở gần các vựa sầu riêng, hoặc những thành phố lớn. Qua đó có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chủ động trong xuất khẩu nông sản
Trong khi đó, theo các thương lái, doanh nghiệp tại Lào Cai, Trung Quốc là thị trường lớn, có nhiều cơ hội cho nông sản xuất khẩu Việt Nam song có những quy định rất chặt chẽ. Bởi vậy, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu cần chủ động tham khảo, tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp, đối tác cung cấp hàng hóa trước ký hợp đồng.
Đặc biệt, đối với mặt hàng quả sầu riêng xuất khẩu qua Lào Cai phải đảm bảo mã số vùng trồng không nằm trong diện bị phía Trung Quốc đưa vào danh sách hạn chế do hàng hóa vi phạm... Qua đó, tránh việc đưa hàng lên tới cửa khẩu nhưng không thể xuất, giao hàng cho đối tác.
Bà Nguyễn Thị Mến, thương lái xuất khẩu sầu riêng cho hay, mỗi xe hàng chúng tôi chi phí khoảng 120 triệu đồng để đưa hàng thu mua từ vùng trồng lên Lào Cai. Bởi vậy, lựa chọn hàng không chỉ là chất lượng mà phải đảm bảo mã vùng trồng, vì thuộc diện hạn chế sẽ bị kiểm tra chặt chẽ, thậm chí không xuất hàng được. Ngoài ra, vì đây là mặt hàng có giá trị, việc kiểm dịch rất kỹ, quả bị mốc, thối rữa, sâu bệnh, quả chết, thậm chí vỏ bị hơi xanh... sẽ bị đối tác từ chối, hoặc phải bù hàng, trừ tiền... và thiệt hại sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, trước các thông tin nói trên, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai đều nắm bắt và chủ động tuyên truyền cho các thương nhân, doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu biết, để có giải pháp, hạn chế tối đa thiệt hại nếu có.
Ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Quản lý Cửa khẩu, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, dự báo trong thời gian tới, một số loại trái cây chính vụ của các tỉnh phía Nam bước vào vụ thu hoạch, nên lượng phương tiện xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai dự báo sẽ tăng mạnh. Theo đó, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai chủ động bố trí, chỉ đạo các lực lượng chức năng phân luồng cho phương tiện xuất - nhập khẩu nông sản; ưu tiên dành riêng luồng cho xuất khẩu các mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu trong ngày. Công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục xuất khẩu, thông tin về quy định mới về hàng hóa để các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đầy đủ, giảm thời gian thông quan...
Ngoài ra, đối với việc xe hàng bị giữ lại tại Hà Khẩu (Trung Quốc), Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã tuyên truyền cho các thương nhân, doanh nghiệp đảm bảo chặt chẽ trong khâu giao nhận hàng hóa và ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, tránh tranh chấp phát sinh, giảm thiểu việc giữ xe sau khi đã giao hàng.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu Lào Cai đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu đạt 535 triệu USD, trong đó phần lớn là xuất khẩu mặt hàng quả sầu riêng với gần 97 nghìn tấn (trị giá 412 triệu USD), thanh long (49,6 triệu USD), dưa hấu (13,6 triệu USD)...