Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/6, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, vấn đề an ninh lương thực và mặt hàng gạo nói riêng hết sức được quan tâm.
Trong khi đó, Quý I năm nay dịch Covid-19 có diễn biến nhanh, phức tạp và nghiêm trọng cả ở Việt Nam và trên thế giới, ảnh hưởng đa chiều đến thị trường gạo thế giới và việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
"Bộ Công thương đã thực hiện điều hành gạo theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng thường xuyên báo cáo, xin chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền, tránh gây ảnh hưởng đến cân đối cung cầu mà còn phục vụ nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh", ông Hải thông tin thêm.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân nếu có trong việc đề xuất chính sách, Thứ trưởng Hải cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Ngày 29/4, Thanh tra Chính phủ đã công bố về đoàn thanh tra này, dự kiến hoạt động trong 35 ngày làm việc và kết thúc vào ngày 18/6 tới. "Kết luận của đoàn thanh tra sẽ được công bố rộng rãi và Bộ Công thương sẽ cam kết thực hiện đúng các kết luận của Thanh tra Chính phủ", ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, nhưng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã xuống giống sớm nên có một vụ đông xuân được mùa.
"Trữ lượng hàng năm của Việt Nam vào khoảng 43,5 triệu tấn thóc và chỉ sử dụng hết gần 30 triệu tấn nên Thủ tướng cho biết năm nay sẽ phấn đấu xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo", ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm.
Theo thống kê của Hải quan, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 1 triệu tấn, tăng đến 31,7% sơ với cùng kỳ 2019.
Thứ trưởng Công thương cho rằng, nếu duy trì tốc độ này, Quý I 2020 sẽ xuất khẩu được 1,7 triệu tấn gạo, tăng 21% so với cùng kỳ và trong 6 tháng đầu năm sẽ xuất khẩu đến 3,7 triệu tấn gạo, vượt ngưỡng 3 triệu tấn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu.
Ngoài ra, giá gạo thế giới liên tục tăng do các nước tăng cường dự trữ dù Ấn Độ và Việt Nam đều được mùa. Do diễn biến Covid-19 phức tạp và tâm lý của người dân, nguy cơ thiếu lương thực là có nên Chính phủ đã có quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5, để giãn tiến độ nhằm bình ổn giá gạo trong nước.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp và khảo sát tình hình, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5, và Chính phủ đã có quyết định cho xuất khẩu không hạn ngạch trở lại vào ngày 1/5.
Đến nay, an ninh lương thực vẫn cần được quan tâm, do đó, Bộ Công thương đã gửi UBND các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường phối hợp, đôn đốc, giám sát kiểm tra mức dự trữ, lưu thông tối thiểu là 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân xuất khẩu gạo phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị để đảm bảo cung cấp lượng dự trữ, lưu thông khi được yêu cầu.
Ông Hải cho biết, Bộ Công thương cũng có văn bản trao đổi đến các đoàn ngoại giao để tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu gạo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, đem lại sự thuận lợi và hiệu quả cao cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân.