Buổi Tọa đàm “Gặp gỡ Bình Định-Hàn Quốc” có sự tham dự của ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Ngài Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Hồ Quốc Dũng bày tỏ sự vui mừng được tiếp đón những vị khách quý và giới thiệu sơ lược về tiềm năng của Bình Định.
Theo ông Dũng, Bình Định nằm ở vị trí thuận lợi nhất của khu vực Đông Nam Á, là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất của tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng thông qua cảng biển quốc tế Quy Nhơn; hạ tầng giao thông khá thuận lợi, có cả 4 tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển đều đi ngang qua.
Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là một trong 10 cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào an toàn. Cảng hàng không Phù Cát có các chuyến bay đi và đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam; đã và đang mở tuyến đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện Cảng hàng không Phù Cát đang đề nghị được nâng cấp thành sân bay quốc tế.
Bình Định có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trở thành trung tâm du lịch của khu vực, cả nước và vươn tầm Châu Á. Bình Định đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đang có mặt trong nhóm những tỉnh, thành phố của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Bình Định đang từng bước vươn lên trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị công nghiệp-dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Nam Trung bộ-Tây Nguyên và là cầu nối với thị trường Lào, Campuchia và Thái Lan.
Nền kinh tế của Bình Định trong những năm qua phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thuộc nhóm khá của cả nước; đồng thời, an ninh chính trị ổn định và trật tự xã hội được đảm bảo. Đây là những điều kiện căn bản để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.
“Bình Định luôn mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Đến với Bình Định, các doanh nghiệp sẽ có được nhiều thuận lợi bởi chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả”, ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.
Theo ông Kim Kwan Mook, Tổng Giám đốc Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cân nhắc đầu tư vào các địa phương mới có môi trường kinh doanh, đầu tư tốt hơn, thân thiện hơn, Bình Định là 1 địa phương như vậy.
“Tôi rất hoan nghênh sự kiện “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022”, 1 sự kiện quy mô lớn dành cho cả Hàn Quốc và Việt Nam được tổ chức tại Bình Định, 1 địa phương có vị trí cửa ngõ chính của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, là đầu mối giao thông với các cảng biển quốc tế và cảng hàng không. Hiện đã có 1 số doanh nghiệp Hàn Quốc trong các lĩnh vực đóng tàu, dệt may, phụ tùng ô tô và sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hoạt động tại Bình Định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào Bình Định”, ông Kim Kwan Mook nói.
“Qua mức tăng trưởng chỉ số cạnh tranh khu vực từ hạng 37 vào năm 2020 đã tăng lên hạng 11 vào năm 2021, điều này chứng tỏ lãnh đạo Bình Định đã rất quan tâm và nỗ lực vì sự phát triển của tỉnh nhà. Trong thời gian sau này, chắc chắn sẽ càng ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Bình Định, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư vào Bình Định”, ông Shon Young Il, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam.