Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đến nay, các địa phương chịu thiệt hại vì mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã thống kê được khoảng trên 400 km bị vùi lấp, cần phải khẩn trương nạo vét, khắc phục để đảm bảo cho công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2020-2021.
Bên cạnh đó, vấn đề khôi phục hệ thống nước sạch nông thôn sau thiệt hại do mưa lũ cũng đang là vấn đề lớn, cần phải tập trung đảm bảo nước sạch cho các công trình công cộng như trường học, trường mầm non, trạm y tế... cũng như nước sinh hoạt cho người dân sau lũ. Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi khẩn trương phối hợp với các tỉnh miền Trung rà soát các điểm cấp nước tập trung bị hỏng. Đối với nơi không có cấp nước, sẽ tập trung hướng dẫn bà con sử dụng hóa chất để xử lý ngay, kể cả nước giếng nước của người dân bị ngập do mưa lũ.
Đối với các nhiệm vụ lâu dài về nước sạch, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hiện nay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang triển khai kích hoạt gói hỗ trợ sản xuất 3 triệu USD cho Việt Nam. Trong đó, cam kết có gói dự án ODA riêng cho khôi phục hạ tầng và khôi phục sản xuất tại các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ, với tổng giá trị khoảng 250 triệu USD và thời gian vay rất dài (khoảng 30 năm), lãi suất rất thấp.
Nếu được Chính phủ đồng ý, dự án này có thể triển khai ngay trong thời gian tới để cơ bản khắc phục về mặt hạ tầng, trong đó có cả hạ tầng giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, tập trung vào phát triển bền vững.
Bộ NN-PTNT cùng các bộ ngành sẽ quyết tâm cùng với các địa phương khôi phục hạ tầng sau bão lũ theo hướng gắn với phát triển bền vững. Các công sở, trụ sở ở các tỉnh miền Trung, nhất là các vùng có nguy cơ cao phải đảm bảo chống chọi được với bão lũ.
Bên cạnh đó, sẽ triển khai đầu tư các hệ thống nhà sơ tán đảm bảo an toàn, hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống các nhà tránh lũ, trên cơ sở nghiên cứu kỹ về các tiêu chuẩn quy chuẩn cho từng vùng miền.
Đây là vấn đề hết sức cần thiết, có tính lâu dài, bền vững, đang được các địa phương trồng chờ. Bởi nếu có nhà chống lũ, mới đảm bảo được thiệt hại về tài sản tối thiểu của người dân, tính mạng của người dân phải được đảm bảo tuyệt đối.