Quản lý chặt biên giới trên sông lẫn cửa khẩu phụ
Huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia dài gần 35km, với 1 Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ) và 2 Cửa khẩu phụ là Bình Phú và Thông Bình.
Do là huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, trước đây bị ảnh hưởng lũ mùa nước nổi nền đường ở huyện Tân Hồng được đắp rất cao so với mặt ruộng.
Tuyến quốc lộ 30 dẫn lên cửa khẩu quốc tế Dinh Bà thông thoáng, sừng sững như bức tường thành nằm trải mình giữa mênh mông ruộng lúa. Mùa này, xe tải, xe container qua lại biên giới tại cửa khẩu Dinh Bà chủ yếu là chở lúa, trái cây từ Campuchia về Việt Nam.
Dù túc trực tại tuyến biên giới cả ngày lẫn đêm, nhất là ở những địa điểm được cho là điểm nóng, chúng tôi không thấy dấu hiệu của việc nhập lậu gia súc, gia cầm, nhất là nhập lậu heo qua biên giới.
Hôm chúng tôi có mặt, tình cờ gặp đoàn công tác của Văn phòng phía Nam Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cũng đang đi kiểm tra, nắm tình hình vận chuyển động vật (heo) trái phép qua biên giới.
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho rằng, tuyến biên giới ở huyện Tân Hồng giáp với Campuchia được ngăn cách bởi con sông Sở Hạ, có các chốt biên phòng kiểm tra, để nhập lậu số lượng lớn heo qua biên giới là rất khó khăn.
Còn đường bộ qua cửa khẩu là độc đạo, muốn vận chuyển hàng trăm, hàng ngàn con heo qua biên giới phải đi bằng xe tải lớn, luôn có ngành chức năng kiểm soát nên muốn ùn ùn chở heo lậu chắc chắn là điều không thể.
Dọc theo tuyến biên giới giáp với Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có có 8 cơ sở thu gom gia súc tập trung được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đang hoạt động.
Trong đó, trên địa bàn huyện Tân Hồng có 7 cơ sở thu gom gia súc hoạt động chủ yếu là thu mua gia súc (trâu, bò, heo...) từ một số địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh về phân phối lại cho các thương lái giết mổ trong và ngoài tỉnh hoặc nuôi vỗ béo bán lại cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu.
Trong số 7 cơ sở thu gom gia súc trên địa bàn huyện Tân Hồng hiện nay chỉ có 3 cơ sở hoạt động thường xuyên là cơ sở Đặng Thị Thấp, Phan Văn Đức (trâu, bò) và cơ sở Trần Minh Hải (heo).
Các cơ sở còn lại hoạt động không thường xuyên và số lượng gia súc thu gom, mua bán không nhiều. Trong đó, một số cơ sở là đầu mối thu gom, nhập gia súc từ các tỉnh và phân phối lại cho các thương lái giết mổ, người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
Theo Tổ Thú y huyện Tân Hồng (thuộc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hồng), từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Tân Hồng nhập hàng ngàn con heo thịt, chủ yếu có nguồn gốc từ tỉnh Đồng Nai và Tiền Giang để cung cấp cho dân ăn hàng ngày.
Cùng với đó, Tổ Thú y huyện Tân Hồng cũng đã thực hiện công tác kiểm dịch xuất khoảng 5-6 ngàn con heo đi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang và Kiên Giang.
Nguồn gốc heo được các cơ sở thu gom mua về từ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Long An... và của người chăn nuôi trong tỉnh, chưa phát hiện cơ sở nào nhập heo sai sai quy định hoặc heo nhập lậu từ biên giới Campuchia vào nội địa tỉnh.
Còn tại cửa khẩu Thông Bình (huyện Tân Hồng), lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu này cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong thời gian qua đơn vị có cử lực lượng đi tuần tra tại các khu vực đường mòn, lối mở nhưng chưa phát hiện trường hợp heo nhập lậu ở khu vực biên giới Thông Bình.
Ông Nguyễn Trường Tồn, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết: từ khi nước bạn Campuchia xuất hiện ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vào đầu năm 2023, tại khu vực biên giới Dinh Bà lực lượng chức năng bắt đầu siết chặt quản lý và nghiêm cấm buôn bán và trao đổi gia súc, gia cầm sống và lẫn giết mổ lậu qua biên giới nhằm không thể cho dịch bệnh lây lan vào địa bàn Đồng Tháp mà làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.
Tuy tuyến biên giới Dinh Bà giáp với nước bạn Campuchia dài 35km nằm cặp chảy dài theo con sông Sở Hạ, chính vì vậy việc buôn lậu gia cầm, gia súc qua biên giới theo đường tiểu ngạch rất khó khăn phải qua con sông.
Từ đầu năm 2023 đến nay, khu vực biên giới Dinh Bà không xảy ra tình trạng buôn lậu gia cầm, gia súc trái phép qua biên giới với số lượng lớn, nhất là heo lậu từ Campuchia vào Việt Nam.
Theo ông Tồn, từ tháng 6/2023 đến nay Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) có ủy quyền cho Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Đồng Tháp kết hợp với Chi cục Thú y vùng VII lấy mẫu kiểm dịch động vật tại cửa khẩu Dinh Bà mà không có thương nhân nào từ Campuchia đưa heo, trâu, bò hay cả gia cầm đến cửa khẩu làm thủ tục kiểm dịch để nhập gia súc, gia cầm vào Đồng Tháp.
Ngành chức năng tại cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) khẳng định với Báo Nông nghiệp Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay không có phát hiện trâu, bò, heo hay gia cầm nhập lậu qua biên giới vào địa bàn Đồng Tháp, mà chỉ có vài hộ dân nhỏ lẻ ở các đường mòn, lối mở có chăn thả vài con gia súc như: trâu, bò qua lại biên giới ăn cỏ rồi chiều tối lùa về chuồng?
Chưa phát hiện heo nhập lậu
Năm cách cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà khoảng 2km, điểm thu mua tập kết trâu, bò của ông Phan Đức nằm trên ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng - Đồng Tháp không còn nhộn nhịp như trước đây, đa số trâu, bò được điểm tập kết này thu mua của các hộ dân trong khu vực và các tỉnh lân cận như: Long An, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre…mang về vỗ béo từ 2-4 tháng để bán lại cho các thương lái ở TP. HCM và các tỉnh ĐBSCL.
Ông Phan Tấn, chủ cơ sở thu mua tập kết trâu bò nhận định, mấy năm về trước cửa khẩu Dinh Bà còn cho phép gia súc, gia cầm trao đổi mua bán qua lại điểm thu mua của chúng tôi mỗi ngày trao đổi hàng chục con, trong đó nhập trâu, bò từ Campuchia mỗi ngày từ 10-30 con mang về nuôi vỗ béo lại vài tháng bán ra cho thương lái.
Nhưng 2 năm nay nhà nước đã siết chặt cửa khẩu và nghiêm cấm nhập trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới, chính vì vậy nhiều năm nay gia đình ông Phan Tấn chỉ thu mua trâu, bò trong nội địa mỗi tháng từ 30-40 con, đều phải qua sự kiểm dịch hẳn hôi của ngành thú y địa phương mới cho buôn bán hay trao đổi gia súc là trâu, bò qua các tỉnh ở khu vực ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Theo ông Phan Tấn, hiện nay ngành chức năng siết rất chặt tình trạng gia súc, gia cầm nhập vào địa bàn Đồng Tháp, vì vậy việc trâu, bò hay heo muốn nhập lậu qua biên giới đâu phải chuyện đơn giản, vì con heo, trâu, bò…chúng nó to đùng, phải vận chuyển loại xe tải lớn.
Còn trên đường vận chuyển chúng la hét người dân trong khu vực sẽ phát hiện ngay và thông báo cho ngành chức năng liền đến bắt giữ.
Chính vì vậy cho dù những tay buôn muốn cố tình nhập lậu nhỏ lẻ heo, trâu, bò qua biên bằng đường tiểu ngạch để vào thị trường Đồng Tháp tiêu thụ cũng rất khó khăn.
Kể cả các hộ dân khu vực biên giới Tân Hồng muốn nhập phân trâu, bò từ phía Campuchia về bón cho cây trồng cũng không được phép nhập.